TÙY THEO MỨC ĐỘ “VIP”
Từ khu vực cửa khẩu Khánh Bình (xã Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang), chỉ tốn ba ngàn đồng tiền đò và vài phút qua sông Bình Di là đã có mặt trên đất Campuchia. Vừa bước lên bờ, đã có xe đưa vào tận sòng bạc cách đó vài trăm mét.
Theo chỉ dẫn của mấy anh xe ôm ở bến phà Vàm Cống (TP.Long Xuyên, An Giang), tôi ghé một quán cóc ven đường ngồi đợi. Chưa kịp nếm thử mùi vị của ly cà phê rẻ tiền, chiếc xe tốc hành chuyên đưa người sang Cam (Campuchia) đánh bạc đã đến. Tôi vội vàng leo lên chiếc xe bảy chỗ đã nêm kín người. Hơn một giờ sau, chiếc xe đã đến thị xã Châu Đốc. Ôtô vừa dừng, hơn chục xe ôm đã ùa đến. Tôi quyết định thuê anh S. chở với giá 250 ngàn đồng một ngày. Từ đây đến khu vực biên giới còn hơn 30 cây số nữa. “Trung bình một tháng tôi chở mấy đại gia sang bển cả chục lần nên rất rành. Trong casino toàn dân giang hồ, anh không được quay phim, chụp hình, khi nào được tôi sẽ nói. Nếu không cả anh và tôi bỏ xác như chơi”, anh S. nói rồi tăng tốc trên con đường lồi lõm ổ gà từ thị xã Châu Đốc đi An Phú. Nửa tiếng sau xe đã đến bến đò Long Bình.
Bên trong một sòng bài ở khu vực cửa khẩu Khánh Bình
Chúng tôi tấp vào một điểm gửi xe gần bến đò nhất, căn nhà lá khá rộng đã chứa đầy xe máy các loại. Nhìn những chiếc xe biển số An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, TPHCM... ở đây mới thấy, cờ bạc có sức hút không thua gì ma túy! Dưới bến đò, một anh bộ đội biên phòng đang ngồi gác, mọi người cứ thản nhiên đi qua mà không trình giấy tờ gì, anh ta cũng không hỏi. “Đó là người địa phương, quen mặt nên không cần. Anh là người lạ phải trình CMND”, anh S. nói và dẫn tôi xuống bến. Nhưng, sau khi xem CMND của tôi, anh lính biên phòng lại yêu cầu tôi lên đồn (cách đó chừng 300 mét) để đăng ký, khiến anh S. cũng chưng hửng.
Quay lên chỗ gửi xe, bà chủ nhà giữ xe ngạc nhiên: “Sao kỳ vậy? Bình thường có bắt ai đăng ký đâu. Để tôi nói thằng em nó lo cho”. Nói rồi bà gọi với vào trong. Ngay lập tức, một thanh niên chừng 30 tuổi (giới thiệu tên H.) đi ra, hỏi tôi vài câu rồi ngoắt đi theo xuống bến. H. ghé lại nói nhỏ mấy câu với anh lính biên phòng rồi kêu tôi trả tiền lên đò.
Vừa đặt chân lên nước bạn, có ngay mấy thanh niên người Việt tay cầm bộ đàm tiến lại hỏi nhỏ H. Khi biết chúng tôi sang casino, một thanh niên cười tươi nói: “Đại ca đợi xíu nha, có xe đón liền”. Nói rồi anh ta đưa bộ đàm lên nói bằng tiếng Khơme. Tôi tranh thủ quan sát xung quanh, thấy toàn người Việt, cảm giác như đang ở vùng quê nào đó của miền Tây. H. cho biết anh cũng là nhân viên phục vụ trong casino Room, nơi chúng tôi chuẩn bị ghé.
Chiếc xe chở chúng tôi chạy thẳng lên sảnh, đậu sát cửa casino Room. Một nhân viên nữ mặc váy đồng phục, khuôn mặt tươi như hoa, một tay mở cánh cửa bọc nhung đỏ, tay kia chìa ra mời khách vào. Camera gắn la liệt trên tường, trần nhà, quay đến mọi ngóc ngách trong khuôn viên casino.
Trước khi bước vào khu vực chơi bài, khách phải trình diện trước một vệ sĩ người Campuchia. Anh ta yêu cầu tôi gửi lại chiếc ba lô rồi dùng máy rà khắp người.
Casino này rộng chừng hơn 1.000m2, có hơn 30 bàn, một nửa số bàn đang có khách chơi. Nhìn trang phục thì biết đa số con bạc là người Việt; họ chơi bài cào hai lá, ba lá và tài xỉu. Khoảng 20 vệ sĩ to cao, lượn lờ khắp các bàn có khách đang chơi, đôi mắt láo liên. Mỗi bàn có một đến hai cô gái trẻ chia bài. Đôi tay mềm mại như múa trên bàn. Tôi móc bóp ra và trong nháy mắt, mấy trăm ngàn của tôi đã biến mất! Anh S. cười: “Chơi cho biết vậy được rồi, sang bên này uống nước”. Sát bên khu vực chơi bài là cantin phục vụ ăn uống miễn phí cho con bạc. Cô nhân viên người Việt khá duyên dáng ra hỏi chúng tôi ăn, uống gì. “Anh đã vào đây thì không chơi cũng được dùng nước miễn phí. Còn nếu chơi, tùy theo mức độ “vip” của anh, sẽ được ăn, ở, được xem biểu diễn GTy, massage... không tốn tiền”, anh S. nói.
Rời casino Room, chúng tôi đi sang Casino Grand Dragon cách đó chừng hai trăm mét. So với Room thì Grand Dragon sang trọng hơn. Con bạc ở Dragon có cả khách vip, ăn thua gấp nhiều lần casino Room.
“CHẢO LỬA” TRƯỜNG GÀ
Từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều mỗi ngày, không khí tại các “đấu trường” gà ở Gò Tà Mâu, Campuchia (giáp ranh xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc) luôn sôi sùng sục. Hàng trăm người đàn ông đồng loạt la hét theo những cú song phi của hai chú gà trên sàn đấu... Khi một chú gà gục xuống, có hàng trăm người “chết” theo.
Con đường đê nhỏ dẫn đến cánh đồng sang Gò Tà Mâu (thường gọi ngắn gọn là “Gò”) lồi lõm ổ gà khiến chiếc xe nhảy tưng tưng. Trước khi sang Tà Mâu, anh S. dặn: “Hôm nay anh đi một mình nên phải thật cẩn thận. Đây là trường gà, toàn dân giang hồ, cẩn thận kẻo không có đường về”. Trước mặt tôi là cánh đồng rộng chừng vài chục hécta, trên mặt nước, san sát những chiếc xuồng gắn máy cao tốc đang túc trực. Cứ vài phút lại có dăm chiếc nổ máy, xé nước lao đi. Khung cảnh nhộn nhịp chẳng khác gì chợ nổi Cái Răng. Phía trên Gò, những mái ngói đỏ tươi nằm san sát, nổi bật giữa trời xanh. Bên dưới những mái ngói ấy là trường gà, casino và khu chợ đầu mối hàng điện tử. Anh S. cho xe tấp vào một chiếc xuồng đang đậu sát bờ, trên xuồng là một thanh niên chừng hơn 20 tuổi. “Lên đi, nó sẽ đưa anh sang Gò”, anh nói.
Hai “nài” gà đang giữ cho hai con gà nhìn nhau, đến khi chúng tức nhau nhất mới cho chúng xáp trận
Còn cách khu vực trường gà hơn 100 mét, tôi đã nghe tiếng hò hét dậy trời. Vé vào cửa trường gà 25 ngàn đồng. Bước vào trong, đập vào mắt tôi là chừng 300 người đàn ông, hầu hết là người Việt “bu” lấy hai chú gà đang say máu. Cả khuôn viên rộng chừng 500m2 trở nên chật chội. Đấu trường được làm bằng gỗ khá chắc chắn cũng rung lên bần bật như muốn sập xuống bất cứ lúc nào. Trường gà này được cảnh sát Campuchia bảo vệ hẳn hoi. Có hơn chục người mặc đồng phục, tay lăm lăm súng AK lượn lờ xung quanh.
Trước mỗi trận đấu, hai “nài” gà đưa hai con gà ra sân để con bạc đặt cược. Những tiếng rao: "Ô 50 triệu”, “Đỏ 10 ngàn”, “1 trăm triệu con ô”, “năm mươi ngàn con đỏ”... liên tục vang lên. Sau khi nghe con bạc xướng, trọng tài ghi vào sổ và đến thu tiền. Trường gà có rất nhiều trọng tài cả người Việt và Campuchia. Ngoài lương do chủ trường gà trả rất hậu, mỗi trận các trọng tài còn được con bạc thắng trận bồi dưỡng. Đứng cạnh tôi, một người cho biết: “Ngồi hàng ghế đầu là đại gia ở Sài Gòn, miền Tây và cả mấy ông máu mặt người Cam nữa. Mấy “chả” đặt mấy trăm triệu không hà. Cái ông bụng bự có hai thằng vệ sĩ ngồi hai bên đó hôm qua mới thua mấy trăm ngàn đô. Vậy mà ổng coi như không”. Còn mấy ông nhìn tướng tá sang sang kia là mấy ông quan “máu mặt”, hoặc dân mafia hét ra lửa ở Campuchia. Vệ sĩ của mấy ổng cũng toàn thứ dữ, sẵn sàng chết vì ông chủ. Mấy tay này có khi chịu chơi còn hơn các đại gia Việt Nam nữa”. Phía sau lưng các “ông lớn”, là những hàng ghế cao hơn được dành cho dân “hàng xáo”, tiếng lóng chỉ giới lao động, bình dân, số tiền “độ” mỗi trận của nhóm này chỉ từ 10 triệu trở xuống.
Sau vài phút bắt “độ”, tôi nhẩm tính số tiền cá cho cặp gà Ô - Đỏ chuẩn bị ra sới đã lên đến hơn 1 tỷ và gần 200 ngàn đô la. Sau khi kết “độ”, cặp gà gắn cựa sắt nằm trong tay hai “nài” được tung ra. Hai con gà xông vào nhau, con Ô tung ngược cặp cựa phi thẳng vào ức đối thủ. Sau mấy giây con đỏ nằm im, tiếng loa của trọng tài vang lên: “Đủ ba lần đứng ăn ba lần nằm!”. Đây là câu được viết hẳn trên băng rôn rất to treo ngay trong trường gà. Kết thúc mỗi trận, chủ trường gà hưởng ít nhất 50% số tiền cá độ.
Mỗi khi một con gà gục xuống, sẽ có hàng trăm người không thể “ngóc” đầu lên nữa
Việc chung tiền thua ở đây rất sòng phẳng. Không ai dám gian lận, bởi gian lận đồng nghĩa với cái chết. Trận đấu kết thúc, không cần nghe xướng tên, chỉ nhìn nét mặt cũng biết ai thắng, ai thua.
Ngay sát trường gà này là một sòng tài xỉu, khoảng 20 người đang sát phạt. Những người chơi tài xỉu không hò hét, thay vào đó là những khuôn mặt căng thẳng và tiếng chửi thề liên tục phát ra. Còn trên tay hoặc trên bàn trước mặt những người chơi là sấp tiền 500 ngàn ước vài trăm triệu. Họ không cần đếm, cứ xẻ nhỏ sấp tiền quăng xuống bàn như ném một sấp giấy vậy.
ĐẮNG CẢ MỘT DÒNG SÔNG
Ở các vùng quê nghèo ven biên giới, cờ bạc đang như một cơn đại dịch lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Một lần bước sang bên kia biên giới, dù mang nhiều tiền hay ít tiền, họ đều trở về tay trắng và trở thành “bác thằng bần”. Rất nhiều người trong số họ đang phải trả giá suốt phần đời còn lại!
Những ngày rong ruổi trên những nẻo đường quê vùng biên giới, tôi không khỏi nhói lòng khi nhìn những căn nhà lụp xụp nằm sát bên đường. Hầu hết chủ nhân của những căn nhà ấy đều lạnh lùng khi tôi làm quen. Cuối cùng, tôi cũng tiếp cận được một người đàn ông đang ngồi trầm tư trên ghế đá bên bờ sông Hậu. Ông tên P., năm nay 65 tuổi, đang trả giá cho khoảng thời gian tung hoành trên chiếu bạc. Ông P. sống một mình trong túp lều nhỏ bên bờ sông Hậu. Nghe tôi thắc mắc về thái độ của những người tôi vừa gặp, ông không trả lời thẳng mà kể chuyện:
“Ở vùng này mà kiếm người chưa qua bển đánh bạc hơi khó đấy. Còn người đánh bạc thua trắng tay, gia đình tan nát, vợ con bỏ, đàn bà thua bạc rồi thành gái bao... kể cả ngày không hết. Thực ra cũng có vài người thắng, nhưng số tiền thắng không đáng kể. Họ về rêu rao lên để khoe tài và rủ người khác đi cùng cho có hội. Một loại “thắng” khác nữa là đám “cò”, người của tụi nó cài vào chơi cho thắng rồi về dụ người khác sang chơi. Hồi đó tui có cả một cơ sở gia công, chế biến thủy sản, không tính căn nhà vợ chồng và ba đứa con đang ở, tôi còn một căn biệt thự ở Sài Gòn, một căn ở Long Xuyên. Tiền vô như nước. Thế rồi mấy lần dẫn đối tác sang casino chơi, tôi cũng tham gia. Ngồi trong đó cảm giác rất lạ. Sự xa hoa, hào nhoáng, những cô gái chân dài xinh như mộng, ai cũng như bị bỏ bùa mê. Thắng vài lần tưởng ngon ăn, rồi thua, xong lại thắng, như một vòng lẩn quẩn không thể dứt ra được. Cuối cùng, tôi “ghiền” lúc nào không hay. Cứ rảnh là “phi” sang. Ban đầu còn rủ người đi cho có bạn, riết rồi một mình cũng đi. Chỉ sau một năm, toàn bộ tài sản tôi tích cóp mấy chục năm đã đội nón ra đi. Vợ và ba con bỏ tôi luôn. Nói thật với chú, ở đây những người như tôi nhiều lắm. Có điều họ mặc cảm, phần khác là sợ bị kiếm chuyện nên chú gặp họ cũng không nói gì đâu”.
Qua lời kể của ông P., tôi xuống bờ sông, nơi có một con thuyền nhỏ đang neo đậu. Con thuyền ấy là nơi tá túc của vợ chồng ông C. và bà T. Vì casino mà bây giờ họ không còn gì, chỉ có chiếc thuyền nhỏ này lênh đênh nay đây mai đó khắp vùng sông nước. Hàng ngày, bà T. lên bờ mua rau, trái cây mang đến tận xóm bè ở Châu Đốc bán. Mấy năm trước, họ từng là những phú hộ nổi tiếng ở miền Tây. Họ có một nhà máy xay xát, mấy chiếc sà lan chuyên thu mua lúa và mấy căn nhà bạc tỷ... Một lần đi du lịch sang Campuchia, cũng vào casino “cho biết” với người ta. Sau hai ngày, họ đã “đốt” hết gần nửa tỷ. “Không ai tin nổi một gia sản lớn như thế tiêu tan trong phút chốc như vậy! Bây giờ, nhiều lúc ngồi ngẫm lại tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại như thế. Cứ như bị bỏ bùa vậy. Ban đầu chỉ định chơi giải trí chút thôi, có thua vài chục triệu cũng chẳng ăn nhằm gì. Chơi rồi mới thấy, thắng thì say, không muốn dừng, khi thua lại tức, muốn gỡ. Cuối cùng, không thể nào dừng lại được”, bà T. nhìn ra sông. Bên trong xuồng, ông C. ngồi bất động như một pho tượng. Ông vẫn ngồi bất động từ lúc tôi lên xuồng đến giờ.
Chia tay ông bà T. và chiếc thuyền nhỏ, tôi tiếp tục bắt chuyện với những người đàn ông làm nghề chạy xe ôm chuyên chở khách sang Gò đánh bạc. Dù phải chạy ăn từng bữa, nhưng mỗi khi có tiền, họ không quên thú vui là sang Gò bắt độ vài trận đá gà. Số tiền thua độ không lớn, nhưng với họ, đó cũng là một gia tài. Mỗi khi họ nướng số tiền ít ỏi ấy vào sòng bài hay trường gà, hôm sau cả gia đình lại một phen xào xáo. Ấy thế nhưng, họ không “tởn”, vẫn cứ lao vào mỗi khi trong túi có vài trăm. “Anh thấy đấy, tốn ba ngàn đồng bước xuống thuyền, năm phút sau là có thể sà vào sòng bài được. Chẳng ai hỏi han, ngăn cấm. Sang bên đó, từ anh chạy xe ôm, bà bán rau lề đường chỉ có 1 - 2 trăm ngàn trong bóp đến ông phú hộ, đại gia, thương nhân, tiền vài chục tỷ đều được chào đón. Khi đã ngồi vào bàn rồi thì dứt ra không được. Chỉ còn cách chơi đến khi hết tiền thôi”, anh xe ôm đã “gắn bó” mấy ngày với tôi phân tích.
Bài ảnh: ĐỨC NGỌC
Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh