NGHIÊN CỨU NGUỒN Ô NHIỂM ARSEN TRONG NƯỚC NGẦM
TẠI HUYỆN AN PHÚ, TỈNH AN GIANG
Nhóm tác giả:
Trần Anh Thư, Trần Kim Tính và Võ Quang Minh
Vấn đề ô nhiễm Arsen trong nước ngầm và ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người đang là sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL), nguy cơ về ô nhiễm Arsen đã được cảnh báo.
An Phú là huyện biên giới của tỉnh An Giang, tiếp giáp với Campuchia, có trên 800 giếng khoan nhiễm As. Nồng độ Arsen trong các tầng trầm tích được khảo sát đến độ sâu 40m. Kết quả phân tích mẫu đất canh tác cho thấy không phát hiện Arsen trong đất ở những vùng không sử dụng nước ngầm để tưới.
Tuy nhiên, tại những vùng đang sử dụng giếng nước ngầm nhiễm Arsen để tưới cho cây trồng lại có nồng độ Arsen trong tầng đất canh tác cao (33,45ppb). Kết quả phân tích các mẫu trầm tích trong 3 lỗ khoan đến độ sâu 42m, cho thấy hàm lượng As, SO42- khá cao trong tầng đất có sa cấu là thịt pha sét, thịt pha cát mịn màu xám xanh (69,01 đến 86,75ppb), thường ở độ sâu biến động từ 5 đến 36m. Không phát hiện thấy pyrite trong tất cả các mẫu trầm tích ở trong 3 lỗ khoan.
Arsen trong vùng nghiên cứu chủ yếu tập trung ở các vùng ven sông, độ sâu các giếng khoan biến động từ 15m đến 36m. Nguồn gây ô nhiễm từ trầm tích biển ven bờ có sa cấu là thịt pha cát mịn ít hữu cơ màu xám xanh, và không chứa pyrite. Các tầng chứa nước ngọt trong các trầm tích cát sông hiện tại thường không có tầng sét cách ly (tầng cách nước). Nên nguy cơ nhiễm mặn trong đó có cả Arsen từ tầng bên trên (đối với các giếng > 60m) và xung quanh (đối với giếng từ 20-40m).
Bước đầu cho thấy, có nguy cơ lây nhiễm Arsen và nhiễm mặn từ nước ngầm vào tầng đất canh tác tại các vùng sử dụng nước giếng nhiễm Arsen để tưới tiêu.