Ngồi dưới cái nắng rát da vừa bán trái cây vừa học bài
Trần Thị Thúy Út, 8 tuổi là một trong khoảng gần 100 trẻ vạn đò ở bến Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM đã đến tuổi ra lớp nhưng vì nhiều lý do không thể đến trường. Út được sinh ra vào một đêm mưa tầm tã trên chuyến ghe nhỏ vừa là nhà vừa là phương tiện mưu sinh của đôi vợ chồng trẻ Trần Quang Đẩy và chị Phạm Thị Lừng (đến từ xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Từ lúc bán buôn ế ẩm, anh Đẩy đi làm phụ hồ còn chị Lừng nấu chuối bưng đi bán dạo. Hàng trái cây bên bến sông của cha mẹ được Út “tiếp quản” khi vừa lên 5 tuổi. Số tiền lãi kiếm được mỗi ngày, Út trích một phần nuôi heo đất để mua tập, sách, còn lại đưa hết cho mẹ trang trải cái ăn. Dù đang học lớp 2 ở lớp tình thương gần chợ Tân Thuận (Q.7) nhưng Út đã có “thâm niên” hai năm làm “cô giáo” của trẻ vạn đò đồng cảnh ngộ. Mới đây, lớp học do cô giáo 8 tuổi phụ trách đã tạm “đóng cửa” vì học trò phải lên ghe theo con nước. Út chia sẻ: “Nhà con nghèo không có điều kiện đến trường như các bạn nhưng các bạn học đến đâu con học đến đó. Con chỉ lo cho các bạn, các em cứ rày đây mai đó, vừa biết mặt chữ đã phải bỏ lớp”. Khi được hỏi ước mơ sau này, mắt Út long lanh: “Con muốn được làm cô giáo để dạy chữ cho trẻ vạn đò”. Ông Nguyễn Văn Sang, cư dân vạn đò ở đây cho biết, Út rất ham học, tận tình chia sẻ kiến thức với các bạn đồng cảnh ngộ. Bọn trẻ đi thì thôi chứ ghe cập bến là tìm đến Út để học.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Sáng sớm, Út nấu một nồi chuối to hơn cả thân hình của em để mẹ về đi bán buổi chiều
|
Sau đó xách can đi mua nước sạch
|
Công việc đâu vào đó, Út dọn hàng trái cây
|
Bữa ăn sáng của em chỉ là trái chuối chín
|
Khách hàng chủ yếu là các cô, bác cảm phục ý chí của cô bé nghèo từ lúc thấy Út dùng những viên gạch bể tập viết và làm toán trên vỉa hè
|
Theo Giáo dục Online