(Theo AGO) - Hơn 80 năm tồn tại và phát triển, "xóm lò rèn” ấp Phước Hòa (xã Phước Hưng, An Phú) đã trở thành địa chỉ quen thuộc. Sản phẩm được trui từ những lò lửa nơi đây luôn nhận được sự hài lòng của người sử dụng khắp nơi, vẫn đứng vững so với những sản phẩm từ công nghệ sản xuất hiện đại.
"Xóm lò rèn” tất bật vào vụ sản xuất Tết
Dấu ấn địa danh
Theo Quốc lộ 91C thẳng hướng thị trấn Long Bình, đoạn qua xã Phước Hưng hỏi thăm người dân đường về Cồn Cát - Lò Rèn ai cũng biết. Địa danh dân gian này đã tồn tại ngần ấy thời gian theo bao thăng trầm của thời cuộc. Ngày nay, Cồn Cát - Lò Rèn gắn liền với quá trình ăn nên làm ra của những gia đình đang tiếp nối "cái nghiệp” của cha ông.
Giải thích nguyên nhân hình thành địa danh Cồn Cát - Lò Rèn, ông năm Nhỏ, người dân kỳ cựu tại địa phương, cho biết: "Ngày trước, địa phận ấp Phước Hòa nằm trên một cái cồn rộng chừng 4 cây số vuông. Cư dân thời đó còn thưa thớt, chủ yếu sống bằng nghề nông. Tại đây có một gia đình làm nghề rèn, chuyên sản xuất dao, rựa, lưỡi cày, leng, xuổng... phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương. Từ lò rèn này nhìn thẳng ra sông là một cồn cát có diện tích nhỏ hơn. Dân địa phương kêu riết thành quen và địa danh Cồn Cát - Lò Rèn hình thành từ đó”.
Theo lời ông năm Nhỏ, lúc đầu lò rèn chỉ "làm lai rai” vì chưa được người dân biết đến. Dần dần, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến đặt hàng và sản phẩm lò rèn được ưa chuộng khắp nơi. "Nghe các bậc cha chú đi trước nói lại, người giúp cho lò rèn này nổi tiếng là ông út Trụ (thế hệ thứ 2). Ông đã tìm ra "bí quyết” về độ lửa và nước trui giúp tăng độ bền, độ bén cho sản phẩm. Một cây rựa do ông làm ra, nếu biết cách bảo quản có thể dùng nửa đời người chưa chắc đã hư” - năm Nhỏ tiếp lời.
Vì sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nên lò rèn Út Trụ đã có "thương hiệu” khắp vùng. Từ đây, các thế hệ tiếp nối cùng nhau duy trì "nguồn lửa” của cha ông.
"Giữ lửa”... lò rèn
Là thế hệ thứ tư của lò rèn Út Trụ, anh Nguyễn Phước Thọ rất yêu quý nghề nghiệp truyền thống. "Lò rèn này hình thành từ đời ông cố, đến đời ông nội tôi (ông út Trụ) đã được nhiều người biết tiếng. 12 tuổi, tôi đã quen với sức nóng tỏa ra từ bếp lửa lò rèn. Được cha mình truyền nghề cùng với các anh em, tôi chí thú học hỏi. Đến nay, dù tuổi đời mới ngoài 30 nhưng tuổi nghề đã ngót 20 năm” - anh Thọ bộc bạch.
Điểm đặc biệt của "xóm lò rèn” này là các gia đình không dạy nghề cho "người ngoài”. Cả xóm hơn chục bếp lò đều là anh em chú bác, cô cậu ruột với nhau. Trường hợp là con rể thì cũng phải "bén rễ xanh cây” với đất này mới được học nghề. Vì vậy, người dân địa phương vẫn thường dùng cụm từ "dòng họ lò rèn” mỗi khi nhắc đến xóm nghề này. Dù xã hội có nhiều thay đổi nhưng bếp lửa lò rèn vẫn mang lại nguồn sống ổn định cho những ai theo nghề. "Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, chúng tôi còn sản xuất một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp thời điểm hiện tại. Chỉ cần khách hàng cung cấp mẫu là anh em có thể làm theo yêu cầu” - anh Nguyễn Hồng Hải thật tình.
Với bề dày truyền thống, những tay thợ tại các lò rèn này rất lành nghề. Dù cùng "một gốc” nhưng mỗi người lại có thế mạnh riêng. Người rất giỏi trong việc rèn lưỡi máy xới, người thì chuyên rèn kéo, người lại khéo léo trong việc rèn dao, rựa... nên ít khi có chuyện "giẫm chân” nhau. Sản phẩm từ "xóm lò rèn” được bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, từ Đồng Tháp, Cần Thơ đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, xuống các tỉnh "miệt dưới” và sang tận Campuchia.
"Cận Tết, lò rèn trong xóm liên tục nổi lửa vì số lượng đơn hàng tăng lên. Từ đầu tháng 11 âm lịch, chúng tôi đã không nhận thêm đơn hàng. Nhờ ơn người đi trước, chúng tôi mới có được ngày hôm nay. Hiện tại, anh em trong xóm vẫn đang cố gắng truyền lại những "bí quyết” nghề nghiệp cho lớp con cháu sau này, để lò rèn Cồn Cát sẽ luôn đỏ lửa” - anh Hải trải lòng.