Đây là trang lưu trữ các bài viết cũ
Xin vui lòng truy cập địa chỉ mới:
Bạn là Người An Phú?
Xã cù lao Phú Hữu (huyện An Phú) là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh An Giang. Bốn bề kênh rạch bao vây, người dân quanh năm vất vả với ruộng đồng. Một số hộ dân không có đất đã phải xa quê “di cư” lên thành phố kiếm kế làm ăn. Thế nhưng, khi những ngày cuối cùng của năm cũ đang trôi qua thì vùng quê nghèo này cũng tất bật, rộn ràng. Mọi người sum họp bên gia đình cùng chung tay chuẩn bị đón một cái Tết ấm cúng của vùng sông nước.
Càng về những ngày cuối năm, các bến phà nối liền “lục địa” với xã cù lao Phú Hữu lại tấp nập, gấp gáp hơn hẳn ngày thường. Trên chuyến phà cuối năm, dễ bắt gặp những thương lái ra trung tâm huyện lấy hàng để kinh doanh trong dịp Tết, cũng không ít người đi làm ăn xa trong mùa nước lũ nay cũng đã trở về quê. “Mùa lũ, vợ chồng tôi không có việc nên đưa nhau lên Bình Dương làm phụ hồ để kiếm tiền gửi về nuôi con. Lũ xuống, lại vội vàng trở về để kịp xuống giống cho mấy công ruộng và chuẩn bị đón Tết với gia đình” - Anh Nguyễn Văn Ba, ấp Phú Thành, xã Phú Hữu cho biết.
Những năm trước, người dân đồng bằng sông Cửu Long thảnh thơi chuẩn bị đón Tết. Năm nay, lũ ở đây đạt đỉnh, nước rút chậm nên việc gieo sạ vụ lúa Đông Xuân của người dân xứ cù lao Phú Hữu cũng chậm hơn so với các năm trước. Chỉ cách thềm Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày, nước mới rút hết, người dân ra đồng xuống giống đại trà.
Tuy gấp gáp nhưng người nông dân vùng sông nước vẫn cảm giác rất vui vì ruộng đồng dễ làm hơn do được mùa lũ cung cấp lượng phù sa lớn màu mỡ. Đó là sự hứa hẹn về một vụ mùa bội thu trong năm mới. Trên các cánh đồng rộng lớn ngoài và trong đê Đồng Đức, hàng trăm nông dân đang miệt mài lao động. Tay thoăn thoắt sạ giống cho thửa ruộng được làm sẵn, chị Lê Thị Hòa, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu vui vẻ tâm sự: “Năm nay, mọi việc đồng áng đều dồn vào cuối năm, tuy hơi vất vả nhưng vẫn cảm thấy rất vui vì lượng phù sa trong ruộng rất lớn nên công việc đồng áng cũng nhẹ nhàng hơn nhiều”. Theo chị Hòa, với những người nông dân vùng sông nước, chỉ khi nào việc đồng áng gọn gàng, hạt giống nảy mầm đều một màu xanh mơn mởn thì Tết mới thực sự vui vẻ, trọn vẹn.
Chữ tình tô thắm mùa xuân
Với người dân ở xứ cù lao Phú Hữu thì cán bộ, chiến sĩ đồn BP Đồng Đức luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Họ luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Những khi gặt lúa chạy lũ, những khi đê vỡ đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân hay, đơn giản là ra đồng xuống giống cho kịp mùa vụ.
Những ngày cuối năm, đồn BP Đồng Đức như vắng lặng hơn ngày thường. Hỏi thì được Trung tá Mai Thanh Xuân, Chính trị viên đơn vị giải thích: “Chỉ trừ những cán bộ trực chuyên môn, con số còn lại của đơn vị đều được chia thành các tổ công tác làm những nhiệm vụ khác nhau. Chủ yếu vẫn là tuần tra bảo vệ biên giới và xuống địa bàn giúp dân sản xuất”.
Thời gian này, nước lũ trên những cánh đồng biên giới tiếp giáp giữa 2 nước Việt Nam và Cam-pu-chia đang rút xuống nhanh. Buổi tuần tra biên giới của cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ vất vả hơn nhiều, vì họ sẽ phải băng qua những cánh đồng lầy lội, xác định những vị trí mốc cũ chưa được cắm lại, tiến hành vệ sinh mốc sau một thời gian dài bị ngâm trong nước lũ. Với những người lính biên phòng vùng sông nước, cột mốc biên cương có vững chắc, sạch sẽ thì mùa xuân mới thực sự đang về.
Không chỉ triển khai nhiệm vụ tuần tra biên giới, một tổ công tác khác của đồn BP Đồng Đức cũng được cử xuống địa bàn để giúp dân, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình chính sách, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn để chuẩn bị đón Tết.
Trước những việc làm mà cán bộ, chiến sĩ đồn BP Đồng Đức dành cho gia đình mình, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy, ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái, An Phú, An Giang đã xúc động bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày lễ, Tết, các chú biên phòng lại đến hỏi thăm, giúp đỡ, trao quà cho gia đình. Với mẹ, các chú trong đồn BP Đồng Đức chẳng khác nào con cháu trong nhà”.
Viết Lam
BÁO BIÊN PHÒNG