Giriş
Kapat

Lễ hội văn hoá mùa nước nổi

Quê hương An Phú

   Chúng tôi men theo con đường đất gồ ghề để đến với xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. An Phú là một huyện biên giới giáp với nước bạn Campuchia, hàng năm là nơi đầu tiên tiếp nhận nước lũ và những tác hại khôn lường từ nó.

   Nhờ một loạt chính sách gia cố đê bao, đào kênh thoát lũ của nhà nước, mùa lũ lớn hung bạo ngày nào giờ trở nên hiền hoà với người dân An Phú. Mùa lũ về mang theo một lượng thuỷ sản phong phú như: cá, tôm, rùa, rắn…, rồi những món quà của thiên nhiên ấy trở thành đặc sản của địa phương.

   Từ đó, lễ hội văn hoá mùa nước nổi ra đời như một lời tuyên bố chiến thắng của những Sơn Tinh thời hiện đại.

Đua xuồng trên hồ Búng Bình Thiên. Ảnh: HOÀNG HƯNG

Năm nay là lần thứ ba lễ hội này diễn ra tại Búng Bình Thiên, một hồ tự nhiên mang nét đẹp bình dị thuộc địa bàn huyện An Phú. Búng Bình Thiên có diện tích khoảng 200 ha vào mùa khô và lên đến 800 ha vào mùa nước nổi.

   Bao quanh hồ là cư dân ba xã Nhơn Hội, Quốc Thái và Khánh Bình. Mặt hồ xanh trong, phẳng lặng đến lạ thường.

   Phía đầu hồ nối liền với sông Nhơn Hội, mà lạ kỳ thay, ở đầu hồ, bên con sông Nhơn Hội sóng nước cuồn cuộn, đỏ nặng phù sa nhưng khi bước vào ranh giới của hồ, nước trong lại, không chảy nữa mà lặng im. Người dân nói rằng: dưới lòng hồ có nhiều loại rong, tảo có thể ngăn dòng nước chảy xiết, đồng thời có tác dụng lọc nước khiến nước hồ cứ xanh trong quanh năm…

   Trên mặt nước Búng Bình Thiên ấy, không có sân khấu hoành tráng, không phông nền màu sắc, buổi khai mạc diễn ra trên những thứ đã gắn bó cuộc đời người dân vùng sông nước: những chiếc xuồng, chiếc ghe…

Sân khấu chính là một nền gỗ phẳng, đóng dính vào 2 chiếc ghe có thể di động tuỳ ý. Cánh gà là màn đêm, là những bụi lau sậy, điên điển và lục bình ngay dưới mặt sông, vừa tạo được hiệu ứng cho những lần chuyển cảnh, vừa gần gũi, với người dân.

   Trong màn đêm yên ả, những nghệ sĩ chầm chậm chèo xuồng ra từ 2 bên cánh, lần lượt tái hiện những câu vọng cổ kể về cuộc sống mưu sinh trên đồng nước, những điệu hò đưa duyên của trai gái vùng nước nổi, những điệu múa của những cô gái Chăm xinh xắn…

   Lịch sử nền văn hoá sông nước được giới thiệu đến bạn bè, khách tham quan gói gọn trong gần 2 giờ đồng hồ, mộc mạc mà đặc sắc.

   Khép lại lễ khai mạc là lễ diễu hành của thuyền hoa đăng. Mỗi chiếc thuyền hoa là công trình của một đơn vị xã tham gia lễ hội. Những chiếc thuyền được tạo hình những con vật đặc sản của mùa nước nổi như rùa, tôm, cá hô, cá bông lau, cá chép, cá hường, cá sặt bổi… các loại thuỷ sản đang giúp cho đời sống người dân trở nên sung túc hơn.

   Phía trên bờ, ven đường đi là dãy hàng hoá lưu niệm được bày ra, lều trại phục vụ ăn uống và dày đặc người qua lại làm nô nức cả vùng quê yên ả. Những chiếc bánh được làm từ chính bàn tay khéo léo của những cô gái Chăm được khách tham quan thích thú hơn cả.

Song song đó là những hoạt động thể thao và trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi không kém. Tiếng cười rộn rã khắp xóm làng vùng biên giới này.

   Mai này, khi cơ sở hạ tầng quanh Búng Bình Thiên được đầu tư xây dựng, tỉnh lộ 956 được mở rộng sẽ là điều kiện để khai thác kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Campuchia, huyện An Phú sẽ mở ra một hướng phát triển mới là du lịch.

   Ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch huyện An Phú, cho biết: “ Tận dụng địa thế của Búng Bình Thiên, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng một khu du lịch sinh thái tại đây với diện tích 702 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng”. Ông Khên còn cho biết: sẽ kết hợp thêm nhiều hoạt động giới thiệu văn hoá, ẩm thực của người Chăm, chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch đến với vùng đất này.

   Lễ hội văn hoá mùa nước nổi ở An Phú không chỉ là khúc ca oai hùng của con người trước thiên nhiên, đó còn là minh chứng cho sự vươn lên của một huyện nghèo biên giới. 

MAI BỬU HOÀNG HƯNG

Yorumlar (0)

Add comment

  • Soru: Thủ đô của Việt Nam là?

Navigasyon