Đây là trang lưu trữ các bài viết cũ
Xin vui lòng truy cập địa chỉ mới:
Bạn là Người An Phú?
Tên "lía” do ai đặt ra và có từ bao giờ thì không ai rõ. Nhưng nhắc đến món lía thì mọi người ở đất An Giang đều quen thuộc, nằm lòng từ cách chế biến đến địa chỉ được cho là ngon nhất để thưởng thức.
Chế biến lía luộc tại một quán vỉa hè trong trung tâm chợ thị xã Tân Châu. |
Xứ sở của lía
Muốn ăn lía, phải chịu khó chạy lên đầu nguồn các huyện An Phú, Châu Đốc, Tân Châu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của số đông "thực khách” rành rẽ về lía thì thị xã Tân Châu - xứ lụa nổi tiếng một thời là nơi có các món lía ngon nhất. Một lý do nữa khiến lía ở Tân Châu nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có xóm đồng bào Chăm, lía chính là món ăn do người Chăm chế ra để ăn trong mùa nắng nhằm giải nhiệt và giúp những buổi họp mặt tụm năm, tụm bảy của những người đi trốn nóng thêm phần thú vị.
Mùa nắng nóng vào cao điểm, miền Nam như bị thiêu đốt. Trời càng trong xanh thì nắng càng gay gắt, ấy chính là thời điểm thích hợp nhất để thưởng thức lía. Vì sao? Con lía có tính hàn, luộc hay phơi ăn đều mát, chỉ mùa nóng mới đem lại cảm giác hạ nhiệt và an toàn cho khách thưởng thức, kể cả những người "yếu bụng”. Tận dụng nắng nóng, những nhà làm lía đặt cái mâm hoặc miếng thiếc nhỏ trước sân, trải lía lên phơi. Lía một nắng được ướp gia vị, còn ngậm nước nên giữ được vị ngọt, ăn với cơm nguội thì ngon hết sẩy!
Trước đây, đến mùa lía, trưa trưa lại nghe tiếng xe đạp cót két đầu làng, cuối hẻm, chốc chốc có tiếng rao "Lía đây! Ai lía hông?”. Giờ thì khác, được khách hàng từ học sinh đến người lớn, nhất là các bạn nhậu ưa thích, lía trở nên nổi tiếng, món ăn làm ra cũng tập trung một chỗ, ai cần cứ đến mua, không phải nhọc công người bán đi rao dưới nắng để mời khách.
Các cô, cậu học trò ngày nào cũng mê tít các quán hàng nước ở bên đường hay trong góc chợ. Những hôm trời oi bức không ngủ được, mây chuyển âm u xong lại tan biến, mong mỏi cơn mưa đến hụt hơi, người lớn cũng mon men tấp vào làm đĩa lía luộc, uống ly hột é, sâm lạnh hay mủ gòn cho mát dạ. Vậy là trở về nhà có thể đánh giấc ngon lành.
Chế biến món dân dã
Món ăn dân dã do những người nghèo gắn với nghề chài lưới tìm kiếm từ lòng sông nên giá cả cũng rất bình dân. Quán vỉa hè của bà Bé Năm bán lía kèm với các loại nước giải khát cạnh siêu thị Vinatex Tân Châu đã mười mấy năm nay trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người. Quả thực bán lía không lời lãi được bao nhiêu, "lía là nghề của người nghèo, nhưng mấy năm qua cũng nhờ được nhiều người ưa thích mà tụi tôi duy trì được bữa cơm, bởi vậy cứ bán hoài. Người ăn không chán, mình bán còn mừng!”.
Dân chài quanh năm đi đánh lưới, nhờ vào mùa nắng đi cào lía mới có đồng ra đồng vào nhiều hơn. Lía cũng không bao giờ có mặt trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng mà chỉ khiêm tốn nằm nép bên lề đường, còn tươi nguyên trong thau của các bà, các cô bán hàng nước giải khát. Ngoài lía phơi, người sành ăn còn khoái món lía luộc. Gọi là luộc nhưng chỉ mất chừng 3 - 5 phút thôi. Chảo bắc trên bếp để sẵn sàng, có yêu cầu là bà chủ quán vốc một lượng lớn thả vô, châm thêm ít nước, đậy nắp. Nhanh thoăn thoắt, một tay mở nắp đảo đều những con lía đang dần "mở miệng”, một tay bà dọn ra cái mâm nhỏ, đặt vào đó chén nước chấm, rau thơm, vài cây tăm và vài ly nước sâm bốc hơi lạnh mát rượi. Nước vừa sôi, bên trong nghe tiếng lụp bụp, bà lại dở ra, nêm gia vị và đổ nhanh ra đĩa. Đặt mâm lía lên bàn, lần nào bà cũng dặn "ăn nhanh lúc còn nóng mới ngon nhe mấy con” vì sợ bọn trẻ mải lo trò chuyện sẽ đánh mất hương vị nguyên vẹn trong món ngon của bà.
Những con lía mập mạp luôn được trữ trong nước để giữ nguyên độ tươi ngon. |
Thú vị cách thưởng thức lía
Thưởng thức lía luộc là cảm giác rất thú vị. Lía ăn nóng, phải chấm với nước mắm me mới đúng điệu. Chén mắm me được trộn đặc kẹo, điểm thêm vài khoanh ớt đỏ, lía mở miệng nhưng chưa tách vỏ hẳn, cầm một bên vỏ, húp nước ngọt rồi mới chấm vào nước mắm, đưa lên miệng, thêm vài lá rau thơm nữa là đủ hương vị chua chua pha lẫn ngọt, cay, the, đậm đà. Đơn giản thế thôi! Ấy vậy mà hôm nào các cô, cậu học trò cũng chạy ngang ủng hộ bà Năm. Tiếng vỏ lía liên tục rơi xuống nền đất tí tách khiến cuộc trò chuyện càng vui tai hơn. Đã ăn lía, thì phải kèm với những thức uống dân dã mới ngon, như mủ gòn (lấy từ nhựa cây gòn), hột é, sâm hay chỉ đơn giản là trà đá để không làm mất dư vị của lía.
Mười mấy năm nay, nhờ con lía mà những người nghèo như bà Năm, dân chài sống trên ghe cặp sông Tiền cũng đổi được bữa cơm ấm bụng. Họ không có đất đai, không nghề nghiệp, nhưng họ biết một điều, khi lòng sông đã ban tặng cho họ "miếng cơm” thì đồng thời họ cũng phải biết gìn giữ và nuôi dưỡng chúng. Thế nên, trong mỗi mẻ cào, những con lía mập mạp, to lớn được lựa đem về, còn lía nhỏ sẽ trả lại trong tự nhiên để nối tiếp những mùa sau lại có lía khai thác. Đó là cách để những người nghèo duy trì kế sinh nhai và món ăn đặc biệt của địa phương từ đời này qua đời khác!
Hoàng Long
nguồn langvietonline.vn