Đây là trang lưu trữ các bài viết cũ
Xin vui lòng truy cập địa chỉ mới:
Bạn là Người An Phú?
PN - Không chỉ lừa hàng trăm hộ dân để lấy sổ đỏ vay tiền ngân hàng, Công ty cổ phần Tân Đức Mạnh (TP.HCM) còn quỵt hàng chục ngàn mét đất công ở xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang). Sự việc kéo dài hơn 5 năm qua nhưng không hiểu sao mãi đến nay doanh nghiệp vẫn bình chân như vại.
Tháng 8/2007, ông Nguyễn Văn Tấn Đạt, sống bằng nghề kinh doanh ở chợ Quốc Thái (cũ) vào khu dân cư thương mại Quốc Thái (mới) mua nền nhà (5x17m với giá 240 triệu đồng) để tiếp tục công việc kinh doanh. Theo hợp đồng bán nền, ông Đạt thanh toán lần một 80% số tiền, sau sáu tháng đến một năm, sẽ giao tiếp 20% còn lại, công ty Tân Đức Mạnh (CT TĐM) sẽ cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, cất nhà xong, CT TĐM cứ hứa mãi đến gần hết tháng 2/2013, tức đã quá 5 năm so với thời gian cam kết, vẫn chưa giao sổ đỏ cho ông Đạt. Không chỉ ôm nợ do không có sổ đỏ để vay tiền ngân hàng trả nợ, ông Đạt còn phập phồng nỗi lo bị "mất tiền, mất nhà” khi có thông tin CT TĐM đã mang toàn bộ sổ đỏ thế chấp ngân hàng từ nhiều năm qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quốc Thái xác nhận: Qua làm việc với bộ phận Quản lý và xử lý nợ của Ngân hàng TMCP Bắc Á tại TP.HCM, chúng tôi được biết CT TĐM đã mang toàn bộ giấy đỏ trong khu dân cư đi vay. Không chỉ người dân, cả chính quyền địa phương cũng bị CT TĐM cho ăn quả lừa. Trong số 5.476m2 đất huyện An Phú giao cho CT TĐM, có 15.000m2 đất công, gồm sân vận động và nền chợ cũ. Theo thống nhất, CT TĐM giao xã tìm mặt bằng chuyển đổi để tái thiết sân vận động trong thời gian sớm nhất, nhưng dù đã nhiều lần chuyển dời vị trí theo yêu cầu của CT TĐM mãi đến nay xã vẫn chưa nhận được cái gật đầu.
Trái với hình ảnh hoành tráng và chữ "Tây” bên ngoài, bên trong là cảnh nhếch nhác của ngôi chợ không nóc
Năm 2005, An Giang mời gọi đầu tư và giao 5.476m2 đất cho CT TĐM do bà Đinh Hoàng Thái Phương làm giám đốc, xây khu dân cư thương mại Quốc Thái theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Địa phương sẽ tiếp quản nhà lồng chợ (1.221m2) sau 20 năm, đổi lại CT TĐM được quyền bán 286 nền quanh chợ. Thế nhưng, trên thực tế không chỉ có người dân mua nền mà cả chính quyền cũng đang đứng trước khả năng mất cả chì lẫn chài.
Trái với những hứa hẹn ban đầu, nhà đầu tư đã xây một ngôi chợ mà chất lượng còn thấp hơn cả chợ nông thôn vùng ĐBSCL. Không chỉ sử dụng vật liệu mau hư hỏng, ngôi chợ còn lạ ở chỗ là không có mái che mưa, che nắng. Theo nhận định của một vị lãnh đạo huyện An Phú, với tình trạng xuống cấp nhanh như hiện nay, chỉ 5 năm nữa là phần lớn kết cấu của ngôi chợ sẽ thành phế liệu. Vì vậy, đến thời điểm sau 20 năm khai thác, địa phương sẽ phải đầu tư số tiền rất lớn nếu muốn tiếp tục sử dụng ngôi chợ. Tuy nhiên, điều khiến cho lãnh đạo địa phương lo lắng hơn là hiện ngôi chợ này đã làm cho chính quyền địa phương mất uy tín với dân. Trước mỗi kỳ họp quan trọng, địa phương phải lặn lội lên TP.HCM nhờ CT TĐM viết cam kết để chính quyền địa phương làm căn cứ giải trình với cử tri, người dân. Việc kêu cứu của địa phương với chính quyền cấp cao hơn về cách làm việc của CT TĐM lại rơi vào vô vọng. Ông Minh bức xúc: "Có đoàn công tác nào của huyện, tỉnh về là chúng tôi lên tiếng, cầu cứu, nhưng không hiểu sao đến nay mọi chuyện vẫn đứng yên tại chỗ!”.
Tùng Hương
Báo Phụ Nữ Thành Phố Hồ Chí Minh