Đây là trang lưu trữ các bài viết cũ
Xin vui lòng truy cập địa chỉ mới:
Bạn là Người An Phú?
Người dân ở ấp Tân Bình, thị trấn Long Bình (An Phú) phản ánh đến Báo An Giang tình trạng bãi rác địa phương gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thời gian dài, nhưng đến nay chưa được khắc phục. Cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề sức khỏe,...
Long Bình là một thị trấn nhỏ ở vùng biên giới đầu nguồn An Phú. Từ năm 2005, UBND huyện quy hoạch bãi tập kết rác tại ấp Tân Bình, với nhiệm vụ thu gom rác ở các xã lân cận (Quốc Thái, Khánh An). Mỗi ngày, bình quân khoảng 15 tấn rác được tập kết về đây. Theo ghi nhận của chúng tôi, rác được đổ tràn lan trên mặt đất, không có biện pháp cách ly nào, dù rất gần khu dân cư. Thậm chí, có lúc rác chất cao hơn nhà dân ngay bên cạnh. Ông Tài, 48 tuổi, ngụ sau lưng bãi rác chia sẻ: “Do gia đình tôi chưa có điều kiện vào khu dân cư nên địa phương sắp xếp cho ở tạm trên đất này. Mùi hôi thối của bãi rác nhiều lúc khiến gia đình tôi không chịu nổi, phải sang ngủ nhờ nhà bà con”.
Ông Nguyễn Tuấn Hiền, 55 tuổi, bày tỏ bức xúc: “Từ lúc hình thành bãi rác này, tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn. Mùa nắng thì mùi hôi theo gió vào nhà, còn mùa mưa thì nước đọng ngập đường đi. Chúng tôi phải sống chung với rác, vô cùng khốn khổ. Mỗi khi dọn cơm ra ăn, cả nhà phải đóng cửa, xịt thuốc diệt ruồi cẩn thận, một lát sau mới dám ngồi vào ăn. Trừ những lúc cần thiết, còn bình thường nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, nhưng cũng không tránh khỏi mùi hôi. Khổ nhất là nhà có trẻ nhỏ, vì sợ cháu bị nhiễm bệnh nên tôi phải cho ra chợ ngủ ngoài sạp hàng cùng người bà, chứ không dám để cháu ngủ ở nhà”. Bên cạnh đó, việc người dân bị bệnh hen suyễn, viêm đường hô hấp vẫn xảy ra thường xuyên, dần trở thành bệnh mãn tính. “Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương di dời bãi rác hoặc xử lý vệ sinh triệt để. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng đóng góp chi phí cùng Nhà nước thực hiện”.
Cũng theo phản ánh của người dân, bãi rác còn làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt khác của địa phương. Học sinh và giáo viên trường THCS gần đấy buộc phải mang khẩu trang đến lớp học, thậm chí khi vào cao điểm phải ngừng việc dạy học vài ngày để tránh “gió”. Ông Trần Ngọc Phú, Trưởng ấp Tân Bình cho biết, địa phương rất có tiềm năng về du lịch và hội chợ thương mại, nhưng thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với hội chợ. Nguyên nhân là do hội chợ thường được tổ chức tại bãi tập kết rác (sau khi đã được xử lý tạm thời), mùi hôi đặc trưng khiến họ khó bám trụ với việc kinh doanh, gây tâm lý e ngại trong doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình Nguyễn Thị Lam Phương cho biết, địa phương đã có định hướng mua đất xa khu dân cư để chuyển bãi tập kết rác đi, nhưng chưa thực hiện được, do chưa thỏa thuận được đường giao thông dẫn vào khu đất. Thị trấn đã nhiều lần kiến nghị với huyện để di dời bãi rác trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, các ngành chức năng vẫn tiếp tục xử lý dọn dẹp, phun xịt thuốc định kỳ, hạn chế đến mức thấp nhất mức ô nhiễm đối với người dân.
Dẫu biết rằng khi thực hiện công trình công cộng, chính quyền địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn. Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống, sức khỏe của người dân vẫn là trên hết. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh tay thực hiện hiệu quả các giải pháp, để giúp người dân thị trấn Long Bình yên tâm sinh sống, không còn phải khổ sở vì phải “sống chung với rác”.