Trang chủ > Quê hương An Phú > Cồn Liệt Sĩ xã Quốc Thái

Cồn Liệt Sĩ xã Quốc Thái


21-10-2013, 23:19. Người viết: hungtuan102
cồn liệt sĩ Quốc Thái An Phú

Ẩn mình dưới màu xanh hiền hòa ruộng rẫy là nơi lưu giữ biết bao ký ức hào hùng của một thời chiến đấu giữ gìn đất nước của cha anh. Có những câu chuyện như là huyền thoại đã được viết nên từ đời thật của những con người ở mảnh đất này. Đó là cồn Liệt Sĩ (ấp Quốc Phú), xã Quốc Thái, huyện An Phú.

Gốc tích quê hương: Cồn Liệt Sĩ:




Cồn Liệt Sĩ nhìn từ vệ tinh Google Earth
cồn Liệt Sĩ An Phú

*Huyền thoại của xã anh hùng:

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quốc Thái kể: Anh Nguyễn Văn Quốc bị rơi vào tay giặc với những trận đòn tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục, cuối cùng chúng đã xử bắn anh tại cây da ở Đồng Ky. Còn liệt sĩ Võ Hoàng Thái- nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đã dùng nhiều chiến thuật đối phó với giặc Pháp, Mỹ… Tên của hai anh đã thành tên quê hương Quốc Thái.

Một trong những hình tượng hào hùng là câu chuyện về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy. Mẹ có 13 người con thì tám người đã có mặt trong cuộc chiến tử sinh cho đất nước. Những người còn lại thì đi tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng. Anh Nam, anh Cánh đi kháng chiến hồi còn nhỏ, cây súng đeo trên vai dài hơn cả người. Cả hai cùng lên đường trong một ngày và cùng hy sinh một ngày vào năm 1970. Nỗi đau riêng cố dằn nén lại, mẹ gật đầu khi hai người con sinh đôi lại tiếp bước ra trận. Cũng từ lần ấy, anh Mười không về nữa. Trên bàn thờ thêm một lư hương. Lúc đó anh mới 21 tuổi và vừa cưới vợ được 1 tháng 29 ngày!

Niềm vui ngày toàn thắng chưa trọn vẹn thì hai năm sau, người dân Quốc Thái một lần nữa cầm súng chiến đấu chống bọn diệt chủng Pôn-Pôt Ieng-Sary. Cùng với các địa phương Ba Chúc và các xã ven biên, người dân nơi đây lại đổ máu xương để giành lại từng tấc đất từ tay bọn Khơme Đỏ.
 
* Tương lai mới trên cồn Liệt Sĩ:

Từ mảnh đất đìu hiu, giờ đây cồn Liệt Sĩ trở thành vùng trồng màu cho năng suất cao.Cồn Liệt Sĩ cách xã Prey Chey, huyện Kosthum, tỉnh Kandal của nước bạn Campuchia chỉ một con sông rộng chưa đầy vài trăm mét. Nơi đây có 368 hộ dân sinh sống thì có đến 70 hộ thuộc diện chính sách, trong đó đa phần là gia đình liệt sĩ...

Anh Võ Hòa Bình, Phó ấp Quốc Phú cho biết: Hầu hết những hộ sống trên cồn Liệt Sĩ trước đây vốn là những Việt kiều Campuchia sống ở xã Prey Chey, huyện Kosthum, tỉnh Kandal. Họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặc cho hiểm nguy vây bủa, các kiều bào của ta vẫn nuôi chứa cán bộ và lợi dụng lúc đi giăng câu, làm ruộng… chở gạo, thuốc men trong xuồng vào vùng căn cứ. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau thoát ly đi kháng chiến, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng.

Bác Huỳnh Văn Bằng, một kiều bào năm ấy, nhớ lại: Khoảng 30 hộ dân chủ yếu là gia đình có con em là thương binh, liệt sĩ về đây sinh sống. Lúc đó chưa có cồn, chỉ là bãi phù sa rộng chừng 1 công đất. Anh em cắm sào neo ghe quây quần sống tạm bợ. Bà con cử Ban đại diện đi xin phần đất cồn để định cư và được huyện đồng ý. Cứ như một phép màu kỳ diệu, năm đó nước lên, phù sa bồi lắng ngày càng rộng lớn. Cũng cùng năm 1984, khi xã Quốc Thái có tên trên bản đồ hành chính thì cũng là lúc phần đất cồn cát mới này vinh dự được Chính phủ đặt tên là cồn Liệt Sĩ.

Cồn Liệt Sĩ giờ đây khởi sắc hơn trước nhiều lắm. Những chiếc ghe neo đậu, những căn nhà tạm bợ ngày nào được thay thế bằng những ngôi nhà sàn, mái tôn vách ván khang trang. Học tập và làm theo gương Bác, ấp Quốc Phú tổ chức vận động nhân dân làm đê bao khép kín toàn ấp trên 4km, rải đá mặt đường để người dân không còn cảnh lầy lội, trơn trợt khi mưa gió. Diện tích sản xuất ngày một nâng lên, đến nay toàn ấp có 78 hec-ta gieo trồng 3 vụ/năm, chủ lực là bắp lai cho năng suất cao (khoảng 1,2 tấn/vụ). Hệ thống điện lưới, nước sạch, loa phát thanh phủ kín toàn ấp. Năm 2003, xã xây dựng điểm Trường tiểu học "C” Quốc Thái với 4 phòng học ở đây. Thế là con em ở cồn Liệt Sĩ không còn cảnh phải lặn lội xa xôi đến trường như trước nữa.  Địa phương luôn tạo mọi điều kiện để các em được đến trường. Trong ấp cũng có hàng chục người học hành đỗ đạt nên người. Đó là niềm tự hào lớn của một ấp mang tên cồn Liệt sĩ…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH Báo An Giang
Video: ATV.org.vn

Quay lại