Trang chủ > Quê hương An Phú > Kinh tế biên mậu An Phú khởi sắc

Kinh tế biên mậu An Phú khởi sắc


22-02-2015, 19:35. Người viết: Mách Dương
( Theo AGO) - An Phú là huyện đầu nguồn, tiếp giáp với TP. Châu Đốc và biên giới Campuchia nên có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế. Cùng với các cửa khẩu là tuyến biên giới dài hàng chục cây số và mạng lưới Trung tâm thương mại, hệ thống chợ góp phần khai thác kinh tế biên mậu ngày càng hiệu quả.

An Phú xác định phát triển thương mại- dịch vụ là nhiệm vụ số 1, trọng tâm là dịch vụ mậu biên. Từ xác định đúng hướng, những năm qua, kết cấu hạ tầng các xã biên giới từng bước hoàn thiện, nhựa hóa giao thông nông thôn, dần hình thành hệ thống chợ biên giới. Đồng thời, hình thành các Trung tâm thương mại, như: An Phú, Quốc Thái, Khánh An… hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy vai trò trung chuyển hàng hóa và giao thương với nước bạn Campuchia. Ngoài ra, một số dự án lớn đang được tiếp tục mời gọi đầu tư, như: Các nhà máy tại Cụm công nghiệp An Phú, Khu du lịch sinh thái búng Bình Thiên, Khu dân cư Thương mại Cồn Tiên, chợ đầu mối nông sản Vạt Lài, Trung tâm thương mại Long Bình và Cửa khẩu Khánh Bình… sẽ góp phần khai thác tốt kinh tế biên mậu của địa phương.

Năm 2014, tình hình kinh tế- xã hội huyện An Phú đạt nhiều kết quả phấn khởi, tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,88% (đạt 108% kế hoạch năm). Hoạt động thương mại có mức tăng trưởng khá, nổi bật là Hội chợ Cửa khẩu Khánh Bình và các phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn” được người tiêu dùng ủng hộ, góp phần nâng doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy khu vực dịch vụ phát triển. Việc tổ chức, sắp xếp các Trung tâm thương mại, chợ biên giới góp phần nâng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7.850 tỷ đồng (bán lẻ 4.006 tỷ đồng), tăng 9,03% so năm 2013. Đối với khu vực biên giới, tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ 5.887 tỷ đồng (bán lẻ khu vực biên giới là 3.237 tỷ đồng, chiếm 80% tổng bán lẻ toàn huyện). Giá trị hàng hóa xuất- nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu đạt 450 triệu USD, tăng trên 25% so năm 2011.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, An Phú chủ động tạo mặt bằng và cơ sở hạ tầng xây dựng Cụm công nghiệp thị trấn An Phú để mời gọi đầu tư và đã có một số doanh nghiệp đầu tư hoạt động, như: Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2, Công ty Diệu Thiện (đang mở rộng quy mô), Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) đầu tư xây dựng nhà máy sấy bắp. Cùng với đó, công nghiệp chế biến nông sản ở xã Quốc Thái đang mở ra nhiều triển vọng. Năm qua, An Phú thu hút đầu tư trên 342 tỷ đồng, thực hiện 97 công trình trọng điểm, như: Dự án Tỉnh lộ 957, dự án cầu Long Bình-Chrey Thom, dự án cầu Phú Hội… và các công trình xây dựng cơ bản, phục vụ an sinh xã hội.

Hoạt động nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nội ngành ở An Phú. Nhờ thực hiện tốt công tác thủy lợi, khuyến nông, biện pháp thâm canh tăng vụ và đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào đồng ruộng… năng suất lúa ngày một cao hơn, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 278.046 tấn, tăng 5.143 tấn so cùng kỳ. Tận dụng lợi thế thị trường Campuchia, An Phú tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau màu trên 7.000 héc-ta, mỗi năm cung ứng hàng ngàn tấn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, đây còn được xem là vùng phát triển mạnh nghề nuôi cá nước ngọt (cá tra, basa, cá lăng, cá chình…) và ương cá giống, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.

an-phu.jpg

Mua sắm tại phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn” tổ chức ở An Phú.

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần kích thích nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng nhanh và bền vững. Toàn huyện xuất hiện nhiều mô hình, như: "Cánh đồng lớn” (do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện, diện tích 695,5 héc-ta), trồng bắp lai gắn với tiêu thụ sản phẩm (do Công ty Ecofarm thực hiện, diện tích 63,6 héc-ta), trồng đậu bắp nhật (do Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu thực hiện, 36 héc-ta), mô hình nuôi bò vỗ béo, lươn không bùn, cá sặc rằn thương phẩm…

Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa từng bước xây dựng, diện mạo của huyện đầu nguồn An Phú ngày càng khang trang. Hệ thống điện-đường-trường-trạm phủ khắp, nhiều thị trấn, thị tứ, chợ trung tâm xã hình thành, hoạt động nhộn nhịp. Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã điểm Khánh An đạt 12/19 tiêu chí và 39/50 chỉ tiêu. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, các chính sách an sinh xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe người dân được thực hiện tốt. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến. Cùng với đó, công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững mối quan hệ hữu nghị với chính quyền và các lực lượng Campuchia.

Năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Phú phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 10,5%, thu nhập bình quân đầu người 29 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ (56,6%), giải quyết việc làm 5.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5- 2%, có 78% hộ dân nông thôn và 90% dân thành thị sử dụng nước sạch, riêng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt đáp ứng 99,6% hộ...


Quay lại