Trang chủ > Văn hóa > Ôn Bích Hằng: Tôi như té xuống vùng nước xoáy khi đeo đuổi nghệ thuật
Ôn Bích Hằng: Tôi như té xuống vùng nước xoáy khi đeo đuổi nghệ thuật31-01-2015, 18:56. Người viết: hungtuan102 |
PNCN - Ôn Bích Hằng vừa có chuyến đi ý nghĩa như cái kết đẹp cho một năm
lao động nghệ thuật miệt mài. Đó là chuyến giao lưu của văn nghệ sĩ
TP.HCM với các chiến sĩ Sư đoàn 330 (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Đa Phước, huyện Phú Châu (nay là huyện An Phú), tỉnh An Giang. Một xã vùng sâu vùng xa mà muốn đi đến phải qua ba lần đò. Chị vừa làm MC, vừa làm ca sĩ, hát thật ngọt ngào ca khúc Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung). Năm 2014, Ôn Bích Hằng xuất hiện khá dày trên màn ảnh truyền hình trong các phim: Đối mặt của đạo diễn (ĐD) Trần Hữu Phúc, Đường chân trời, Trở về 3, Huyền thoại tím (ĐD Việt Trinh), Người hàng xóm (ĐD Quốc Thuận); phim điện ảnh Mất xác (ĐD Đỗ Thành An)… Ngoài ra còn có những phim đã xong phần ghi hình và sẽ được trình chiếu trong năm 2015 như Mỹ nhân Sài thành (ĐD Lê Cung Bắc), Không một ai và không còn gì (ĐD Trần Mỹ Hà), Mỹ nhân (phim điện ảnh, ĐD Đinh Thái Thụy)… Ôn Bích Hằng thường được nhớ đến với những vai phụ nữ nhân hậu hoặc có số phận bất hạnh. vào thời điểm gần cuối năm, Ôn Bích Hằng đã ghi dấu ấn mạnh trong lòng khán giả khi cùng lúc thể hiện xuất sắc hai vai chị em sinh đôi trong bộ phim Huyền thoại tím. Đó là nhân vật ni cô Vô tịch và bà Lan, một người có cá tính mạnh mẽ, còn người kia lại tình cảm, mềm yếu.
* Cái tên Ôn Bích Hằng gợi nhớ đến diễn viên (DV) Hồng Kông nổi tiếng Ôn Bích Hà. Hai người có dây mơ rễ má gì sao? DV Ôn Bích Hằng: Tên thật của tôi là Nguyễn Thị Bích Hằng. Có một anh chuyên viên hóa trang nói với tôi rằng, làm nghề này muốn "lên” phải đặt tên cho "kêu”, rồi anh buột miệng gợi ý lấy nghệ danh Ôn Bích Hằng. Thấy cũng… có lý nên tôi nghe. Lúc tôi mới lấy nghệ danh này, không ít người dè bỉu, có người nói thẳng là tôi ảo tưởng, ăn theo tài tử nổi tiếng. Thật tình lúc đó, tôi có hỏi ý kiến một vài ĐD quen, họ đều nói đổi tên vậy hay hơn. Trước khi lấy nghệ danh Ôn Bích Hằng, tôi chưa có vai gì để người ta nhớ, nhưng sau này mọi người nói nghề nghiệp tôi có tiến bộ, chắc là do tôi phấn đấu theo thời gian chứ không hẳn nhờ cái tên. * Không xuất thân từ trường lớp chính quy, cơ duyên nào đưa Ôn Bích Hằng đến với nghề diễn? - Tốt nghiệp đại học, tôi làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu Sihanco Bà Rịa - Vũng Tàu chi nhánh ở TP.HCM với chức vụ quản lý kênh siêu thị toàn quốc. Công ty tôi hằng năm tổ chức hội thi văn nghệ quần chúng và tôi luôn là giọng ca chính. Một lần dự thi, tôi đoạt huy chương vàng đơn ca bài Huyền thoại mẹ (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và được đạo diễn Danh Dũng mời đóng một vai trong phim Ảo ảnh (Hãng phim Lasta). Chuyện đó cách nay cũng đã hơn 10 năm. Tôi đã trải qua hơn 10 vai "quần chúng có thoại” trước khi được nhận những vai quan trọng. Có thể nói, tôi đến được với điện ảnh là nhờ… giọng ca. * Nghe Ôn Bích Hằng hát, nhiều người thắc mắc vì sao chị có một chất giọng khỏe và truyền cảm như vậy mà không theo nghề ca sĩ? - Ngay từ khi tôi học cấp I, mẹ đã phát hiện tôi có chất giọng tốt nên hay yêu cầu tôi hát cho mọi người trong nhà hoặc khách khứa nghe. Khi ấy tôi cũng "chảnh” lắm, đòi phải sắm quần áo mới mới chịu hát, mặc dù ở trường, tôi luôn là cây văn nghệ. Nhưng mẹ chỉ muốn tôi hát chơi cho vui chứ không cho theo nghề vì nghĩ "xướng ca vô loài”, dễ hư. Tôi là chị hai, sợ làm gương xấu cho hai cô em gái. Ba và mẹ tôi đều là giáo viên nên rất ngại điều tiếng thị phi. Còn một lý do nữa là lúc nhỏ tôi bị bệnh suyễn, cứ mỗi khi chiều xuống là lên cơn suyễn, mẹ phải ngồi ôm và quạt cho tôi. Hình ảnh đó khiến tôi luôn nghĩ đến chuyện trả hiếu, không cãi lời mẹ, nên đành gác lại những đam mê. Tôi đi học rồi lấy chồng. Nhưng đến khi có thể tự do thực hiện niềm đam mê ca hát, tôi lại phải đứng trước những bài toán khác. Đi hát chuyên nghiệp bây giờ không đơn giản chỉ cần giọng ca, mà còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác rất phiền phức nên tôi chỉ hát phục vụ vào những dịp giao lưu hoặc trong các gameshow mà thôi. * Trên phim, hầu hết những nhân vật của Ôn Bích Hằng dẫu sang hoặc hèn, cũng đều là những phụ nữ giỏi chịu đựng, chịu thương chịu khó, dễ làm lay động trái tim người xem. Có bao nhiêu phần trăm con người thật của DV Ôn Bích Hằng được gửi trong đó? - Tôi không phải là người được trang bị nhiều kỹ năng diễn xuất nên khi nhập vai, tôi luôn có cảm giác mình sống cùng nhân vật chứ không phải diễn. Khó thể đong đếm bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi nghĩ "cái tôi” của mình luôn hòa vào "cái tôi” nhân vật. Có thể đứng ở góc độ nghề nghiệp, người ta cho điều này là một nhược điểm, song với tôi, nó luôn đem lại những cảm xúc thật. Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Đa Phước, huyện Phú Châu (nay là huyện An Phú), tỉnh An Giang. Một xã vùng sâu vùng xa mà muốn đi đến phải qua ba lần đò. Quê tôi ngày ấy không điện, không nước. Tuổi thơ tôi là những ngày tắm sông, đi học lội bộ trên dưới hai cây số, nước ngập tới lưng quần. Nhà nghèo, tôi là chị lớn phải phụ mẹ lo chuyện cơm nước, làm thêm, khi thì vấn thuốc, lúc bán gạo, bán bánh chuối hấp, theo ba đi bán vải, bán thuốc tây… Chính những vất vả, cực nhọc được trải qua đó đã đem lại cho tôi khả năng thích nghi nhanh với cuộc sống đời thường cũng như với các nhân vật trên phim. * Ôn Bích Hằng từng có trong tay những công việc ổn định với vị trí và lương bổng cao, điều gì đã khiến chị quyết định bỏ hết để làm cú rẽ ngang qua con đường "gập ghềnh” của điện ảnh? - Ngày nhỏ, tôi chỉ mơ ước lớn lên làm ca sĩ hoặc trở thành giáo viên giống ba mẹ, điện ảnh là một thứ gì đó quá xa vời. Không ngờ số phận lại đẩy đưa vào ngay cái chỗ "xa lạ”, nhưng bước chân vào rồi, tôi lại thấy thích. Lúc ấy, tôi nghĩ, nếu có ai chỉ dẫn, mình sẽ làm được và sẵn sàng chấp nhận đi lên từ những vai diễn nhỏ. Khi tôi còn làm ở công ty, không có thời gian nhiều, tôi chỉ nhận những vai ngắn. Lúc phim chiếu, công ty biết, người ta nói tôi ăn cắp giờ nên khiển trách, rồi đuổi việc tôi. Trong khi thật tình, tôi chỉ tranh thủ quay vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ. Sau đó, tôi về mở spa làm riêng cho tự do, nhưng rồi phim ngày càng nhiều, đi quay hoài không quản lý được, tôi đành đóng cửa spa. Tôi đi làm phim thấy cũng đủ sống. Làm được nghề mình thích, lại nuôi được mình là vui rồi. Tôi đã trải qua nhiều nghề, có thu nhập cao, nhưng chỉ khi đứng trước máy quay hoặc cầm micro hát, tôi mới cảm nhận được đó chính là mình. * Nhưng nghe đâu có lần, Ôn Bích Hằng muốn bỏ nghệ thuật? - Tôi vào nghề đóng phim một cách tình cờ, không qua trường lớp, khi tuổi đã trên 30 nên gặp không ít khó khăn. Người ta không tin tưởng, không giao vai nhiều đất diễn, đồng nghiệp, nhân viên trong đoàn phim nhìn với ánh mắt coi thường. Phim chiếu ra, thấy mình xuất hiện vai nhỏ, ngay những người trong gia đình cũng phản đối, nói vai xấu, không ra gì mà cũng đóng. Tôi chẳng quen biết ai, lại không tiền bạc để ngoại giao nên phải nỗ lực gấp nhiều lần. Nói chung, dường như không ai ủng hộ. Lần đầu tiên tôi nhận được vai hơn 300 phân đoạn, người ta nói đóng có ra gì mà giao vai lớn. Rồi họ còn bịa đặt, đồn thổi những điều không hay khiến tôi có cảm giác bị cô lập, bị té xuống vùng nước xoáy, người ta đi ngang thấy mình kêu cứu mà làm ngơ. Lúc đó, tôi thật sự rất thất vọng, muốn bỏ hết, nhưng may sao gặp được người tốt cho tôi "cái phao”, khuyên tôi cố gắng nhẫn nhịn và hãy chứng minh bằng những vai diễn. * Chị có thể tiết lộ đôi điều về "chủ nhân” của cái phao đó không? - Thế giới giải trí rất phức tạp. Có những người cho mình vai nhưng không chịu nhận lời cám ơn suông, họ sẽ đòi không tiền thì tình, mà cả hai thứ này mình đều không có. Người cho tôi "cái phao” là chị Châu Thổ, Giám đốc hãng Senafilm. Chị khuyên tôi nên tịnh tâm trước những lời sai trái, chị cho tôi vai mà không đòi hỏi điều kiện gì, chỉ muốn là tôi sống tốt và làm hết khả năng với nghề. Tôi biết cơ hội vai hay đến với mình không nhiều nên tôi luôn trân quý và cố gắng hoàn thành hết mức có thể. * Ấn tượng Ôn Bích Hằng để lại khá đậm nét trong phim Huyền thoại tím (vừa phát trên HTV7) với cùng lúc hai vai với hai tính cách khác nhau: bà Lan và ni cô Vô Tịch. Chị làm thế nào để có thể vượt qua một thử thách lớn như vậy? - Tôi nhận vai nào cũng chăm chút, nhưng đúng là chưa bao giờ tôi có cảm giác kiệt sức như trong phim này. Hai chị em sinh đôi đều có tấm lòng nhân hậu nhưng ni cô Vô Tịch là người bản lĩnh, cứng rắn, còn bà Lan lại yếu lòng. Hai tính cách khác biệt cứ đan xen với những biến chuyển trạng thái tâm lý liền kề khiến tôi nhiều lúc không biết mình đang ở đâu, nhất là trong những trường đoạn hai chị em đối thoại. Cảnh nào cũng đầy nước mắt và nặng suy tư. Kịch bản lúc đầu chỉ có vai bà Lan, nhưng để làm cho câu chuyện trở nên phong phú và hấp dẫn, nhà biên kịch Châu Thổ đã viết thêm vai người chị song sinh ni cô Vô Tịch, cũng là để "thử sức” tôi như lời chị nói. Vượt qua được "cửa ải” này, tôi thật sự thấy mình "lớn lên” nhiều và vô cùng biết ơn chị Châu Thổ.
* "Giăng giăng đời nhẹ tựa làn sương. Đưa hồn đi trong cõi vô thường. Một sợi tình níu kéo yêu đương. Một người tình tựa như khói sương…” - lời bài hát Mê khúc (nhạc sĩ Bảo Phúc) kết hợp với chất giọng hơi có chút… liêu trai trong cảnh hai vợ chồng dưới hầm rượu trong phim Huyền thoại tím có lẽ là cảnh làm cho người xem "say” nhất. Thật không mấy ai tin giọng hát đó là của Ôn Bích Hằng… - Ca khúc này đã từng được nhiều ca sĩ tên tuổi trình bày thành công nên khi được đề nghị hát trong phim, tôi rất lo. Ngày trước, lúc nhạc sĩ Bảo Phúc còn sống, tôi đã có may mắn được hát bài này cho anh nghe và được anh góp ý, chỉ bảo thêm. Bữa trong phòng thu, giọng tôi hơi bị khan, tưởng không đạt, nhưng nghe mọi người nói "ok”, tôi rất mừng. Khi công chiếu phim này, trên blog của tôi, số lời bình tăng lên "đột biến”. Bên cạnh việc công nhận khả năng của tôi, nhiều khán giả còn cho biết, trước đây không mấy thích ca khúc Mê khúc nhưng sau khi xem phim, thấy bài hát rất hay. Họ cũng bất ngờ khi biết tôi chính là người trực tiếp hát cho vai diễn của mình. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc với nghề như vậy.
* Giờ gia đình còn phản đối Ôn Bích Hằng đóng phim nữa không? - Từ khi có được những vai diễn tốt, cả chồng và con gái (sinh viên Đại học Ngoại ngữ TP.HCM) đều khích lệ tôi. Tôi mừng vì người thân đã công nhận những nỗ lực của mình và ngược lại, mình cũng không phụ lòng họ. Tôi xác định mạnh dạn bước tiếp con đường đã chọn, yên tâm theo nghề. CÁT VŨ (thực hiện)Phụ Nữ Online – Trang Thông tin tổng hợp của Báo Phụ Nữ Thành Phố Hồ Chí Minh Quay lại |