Ana Sayfa > Quê hương An Phú > An Phú 20 năm phát triển

An Phú 20 năm phát triển


1-09-2011, 09:10. Yazar: hungtuan102

Ngày đầu tái lập huyện, hầu như toàn bộ diện tích trồng lúa của huyện An Phú chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Lúc bấy giờ, huyện chỉ có duy nhất 1 nhà máy điện chạy bằng diezel với công suất rất nhỏ, cung cấp điện cho vài trăm hộ dân trong khu vực trung tâm huyện. Nhà máy nước thì chưa có, người dân phải dùng nước sông để sinh hoạt hằng ngày. Còn giao thông chủ yếu bằng đường thủy. Ngoài tuyến đường huyết mạch là Tỉnh lộ 956 nối liền từ Cồn Tiên (xã Đa Phước) đến xã biên giới Khánh Bình với cảnh “nắng bụi, mưa bùn”, còn lại hầu hết đều là những con đường đất nhỏ hẹp, chỉ dùng được trong mùa nắng, đến mùa mưa đều bị tắc nghẽn.

Để đảm bảo cho việc giao thương, đi lại được dễ dàng thuận tiện, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông. Từ những con đường lầy lội trong những ngày đầu tái lập huyện, đến nay, hầu hết các tuyến đường đều đã được bê tông, nhựa hóa. Tuyến đường huyết mạch 956 ngày nào đi lại khó khăn, nay đã được nâng cấp, láng nhựa, góp phần quan trọng trong việc giao thương, xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia được nhanh chóng. Mới đây, Bộ Giao thông- Vận tải quyết định nâng cấp Tỉnh lộ 956 thành Quốc lộ 91C. Dự kiến trong năm 2011 sẽ thi công cầu Long Bình- Chrey Thum nối liền biên giới hai nước Việt Nam-Campuchia, mở ra cơ hội rất lớn cho việc xây dựng phát triển hạ tầng giao thông và phát triển vận tải đường bộ. Đồng thời, góp phần vực dậy tiềm năng kinh tế to lớn của cả vùng đất đầu nguồn sông Hậu, đặc biệt thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển mạnh mẽ kinh tế biên mậu thông qua Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình với nước bạn Campuchia.

Nhờ các biện pháp thủy lợi, thâm canh tăng vụ, diện tích sản xuất của huyện không ngừng nâng lên, từ 20.295 héc-ta (1992), tăng lên 36.752 héc-ta (năm 2010), sản lượng lương thực 98,8 ngàn tấn tăng lên 230,8 ngàn tấn với nhiều loại giống năng suất, chất lượng cao. Diện tích cây màu tăng từ 3.081 héc-ta lên 7.098 héc-ta, đặc biệt hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau màu phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu qua biên giới với sản lượng mỗi năm lên đến hàng chục ngàn tấn. Song song đó, hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản cho năng suất cao với sản lượng khoảng 230.000 tấn/năm. 

 

Điểm đặc biệt thuận lợi của An Phú chính là nằm trên trục giao thông chính đi Phnom Penh (Campuchia) với chiều dài rất ngắn. Cùng với các cửa khẩu là tuyến biên giới dài hàng chục cây số và mạng lưới trung tâm thương mại, hệ thống chợ đã góp phần khai thác kinh tế biên mậu ngày một hiệu quả. Từ năm 2005, huyện An Phú chủ trương đẩy mạnh hoạt động mời gọi đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã có 12 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư trên 436 tỷ đồng. Một số dự án Trung tâm thương mại tiêu biểu như: Trung tâm Thương mại An Phú, Quốc Thái, Khánh An… hoàn thành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong việc phát huy vai trò trung chuyển hàng hóa và giao thương với nước bạn Campuchia. Ngoài ra, một số dự án lớn đang được tiếp tục mời gọi đầu tư, như: Các nhà máy tại Cụm công nghiệp An Phú, Khu du lịch sinh thái búng Bình Thiên, Khu dân cư Thương mại Cồn Tiên, chợ đầu mối nông sản Vạt Lài, Trung tâm Thương mại Long Bình… sẽ góp phần khai thác tốt kinh tế biên mậu của địa phương.  

Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của huyện An Phú cũng không ngừng tăng, bình quân mỗi năm tăng trên 25%, riêng năm 2010 tăng 60%. Huyện An Phú có 2 cửa khẩu chính là Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông, 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Quy mô khu kinh tế cửa khẩu của huyện 484 héc-ta. Cùng với việc tăng cường đầu tư mạng lưới chợ biên giới làm cho giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu liên tục tăng. Nếu như năm 2006 là 102 triệu USD, thì năm 2010 tăng gấp 2,5 lần, tức 250 triệu USD. Doanh thu các chợ biên giới mỗi năm tăng từ 20- 25% (năm 2006: 300 tỷ đồng, 2007: 380 tỷ đồng và năm 2010 là 660 tỷ đồng), chiếm trên 80% tổng doanh thu các chợ trong toàn huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới trên 189 triệu USD, đạt trên 63% kế hoạch năm 2011.

Lĩnh vực giáo dục cũng phát triển và ngày càng được chú trọng về chất lượng, hoàn thiện mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất. Toàn huyện có 63 điểm trường xóa hẳn tình trạng học ca 3 và nghỉ học do lũ, 100% điểm trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, 2 trường chuẩn quốc gia; hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Lĩnh vực y tế được đầu tư đúng mức, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Năm 1992, toàn huyện có 180 giường bệnh với 123 y bác sĩ, đến năm 2010 có 320 giường bệnh với đội ngũ y bác sĩ 370 người, trong đó 39 bác sĩ. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai rộng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng ngày càng phát triển đều khắp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Báo An Giang
Geri dön