Trang chủ > Quê hương An Phú > Vùng đầu nguồn An Phú - Tân Châu đón lũ

Vùng đầu nguồn An Phú - Tân Châu đón lũ


4-08-2011, 10:14. Người viết: hungtuan102

Vùng đầu nguồn An Phú - Tân Châu đón lũ

Nhờ chủ động kế hoạch sản xuất, vụ hè thu 2011, nông dân vùng ven biên giới An Phú và Tân Châu ăn chắc vụ lúa thắng lợi, còn cây lương thực và cây công nghiệp cũng cơ bản thu hoạch xong. Bước sang tháng bảy âm lịch, mực nước lũ bắt đầu tràn ngập, mọi hoạt động phòng, chống được triển khai và sẵn sàng ứng phó...


Do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều cộng với triều cường đầu tháng bảy âm lịch, nước từ sông Tiền và sông Hậu đổ mạnh, tràn ngập các cánh đồng ven biên giới Phú Hội, Phú Hữu, Vĩnh Lộc (An Phú), Phú Lộc, Vĩnh Xương (Tân Châu). Anh Nguyễn Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho hay, nông dân đã thu hoạch xong 630 héc-ta lúa hè thu biên giới hồi tháng 5, bởi đây là vùng đất trũng và không có đê bao lửng, năng suất trung bình 5,6 tấn/héc-ta, bán lúa tươi tại thời điểm được khoảng 5.200đ/kg. “Trước đây, vùng đất này mỗi năm chỉ sản xuất được vụ đông xuân, còn vụ hè thu phải bỏ trắng do sợ nước ngập, dễ bị nhiều rủi ro. Khoảng bảy, tám năm trở lại đây, nông dân tự điều chỉnh lịch thời vụ, sản xuất luôn hai vụ, mà vẫn an toàn né lũ đầu mùa” – anh Xương nói. Nhờ vậy, đã góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân biên giới.


Chuẩn bị lưới giăng trong mùa lũ.Theo anh Nguyễn Thành Tâm, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Phú, mặc dù mực nước lũ đầu mùa bắt đầu đổ mạnh, nhưng tình hình sản xuất ở vùng biên giới khá yên tâm, hầu hết các diện tích lúa và rau màu đều thu hoạch cơ bản dứt điểm. Trong đó, có khoảng 670 héc-ta lúa ở xã Phú Hội, nông dân cũng cắt xong từ giữa tháng 7, với năng suất và giá bán tại đồng rất phấn khởi. “Hiện nay, An Phú tập trung cho kế hoạch sản xuất vụ 3 đối với những vùng có đê bao an toàn, tổ chức dạy nghề và hướng dẫn các mô hình làm ăn trong mùa lũ” – anh Tâm cho biết. Phần này, có sự phối hợp của Hội Nông dân huyện, Trạm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề An Phú và các xã, thị trấn. Đồng thời, hình thành các tổ hợp tác, liên kết sản xuất để đề xuất hỗ trợ vốn vay cho nông dân và các đối tượng ưu tiên.


Bên dòng sông Hậu và sông Châu Đốc, nước tràn đồng biên giới Bắc Đai, Phú Hội và Vĩnh Hội Đông. Từ vàm sông Tiền, lũ cuồn cuộn đổ vào kênh Bảy Xã, đồng biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc có nơi đã quá đầu gối và chỗ nào cạn cũng mấp mé cơ đê. Thế nhưng, khoảng cách mực nước lũ hãy còn khá thấp so với mặt lộ giao thông và các cụm, tuyến dân cư. Những bụi tre, cây tràm trồng ven 2 bên bờ kênh Bảy Xã tiếp tục rợp bóng, phát huy hiệu quả chắn sóng và chắn gió, giúp người dân biên giới yên tâm làm ăn và gắn bó với vùng đất đầu nguồn. Trên đồng biên giới, các hoạt động giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp… bắt đầu xuất hiện rải rác. Có cầu bê tông mới được xây tại ngã ba Phú Quí, mùa lũ năm nay việc đi lại của người dân trên tuyến kênh Bảy Xã sẽ được nhiều thuận tiện và  giao lưu thông suốt với 4 xã Vĩnh Xương, Phú Lộc và Vĩnh Lộc, Phú Hữu.


Chuẩn bị cho mùa lũ năm nay, Hội Nông dân thị xã Tân Châu mở  được 35 lớp dạy nghề trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, mỗi lớp có 25 học viên. Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội, cho hay, quỹ “Hỗ trợ nông dân” của thị xã vận động được hơn 75 triệu đồng và xem xét hỗ trợ cho các tổ dịch vụ phun xịt thuốc trừ sâu, trồng nấm rơm, chăn nuôi an toàn sinh học… Tại xã Long An có tổ hùn vốn của hội viên và nông dân, đến nay, mô hình đã nhân ra 7 phường, xã khác khoảng 5 – 7 triệu đồng/tổ. Còn ở biên giới Phú Lộc, anh Phan Văn Giáp, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, tổ chức được 5 lớp dạy trồng nấm rơm, nuôi lươn, ếch… cho 125 hội viên và nông dân. Sau khi cấp chứng chỉ học nghề, tất cả học viên đều được giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với định mức tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ.


Ngay từ tháng 6, các xã vùng đầu nguồn An Phú và Tân Châu cũng đã tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; xác định vùng trọng yếu để có phương án thích hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an và Xã đội sẵn sàng trực chiến, kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra. Anh Nguyễn Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc khẳng định “4 tại chỗ” là phương châm căn bản và đề cao tính hiệp đồng giữa các lực lượng đóng quân trên địa bàn, đây là vấn đề quan trọng cùng với việc chăm lo, hướng dẫn người dân làm ăn trong mùa lũ hàng năm.
                                                      Bài, ảnh: TRỌNG ÂN

http://angiang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3j3oBBLczdTEwML_wBzA09_r0BnE18nI4MgA6B8JJK8gbs_UN4s0NTDzCPY39zdjCTdaPLBROl2dnf0MDH3MTDwNwozMDDyMw0ONAgNNjbwNCagOxzkV_z6QfIGOICjAUQelw1eRmjyWMIGn36g7_088nNT9QtyQ0MjDDI9s0wcFQHccdC-/dl3/d3/L2dJQSEvUUt3QS9ZQnZ3LzZfR1JUOTdGNTQwOE9QNzBJT0pRQzRNQjIwSTA!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content/angiang/trangchu/tintucsukien/tainguyenmoitruong/vungdaunguondonlu


Quay lại