Trang chủ > Quê hương An Phú > An Phú tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

An Phú tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn


7-04-2011, 18:33. Người viết: thientuhuynh
An Phú tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, luôn được các cấp, các ngành ở huyện An Phú thực hiện tốt. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đồng nghĩa với số lao động có được việc làm ngày một nhiều,… An Phú là huyện đầu nguồn sông Hậu, có khoảng 80% dân số sinh sống bằng nông nghiệp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển chưa nhiều, trình độ dân trí còn thấp. Chính vì vậy, hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn luôn được huyện và cơ sở đặc biệt quan tâm. Ông Lê Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện An Phú cho biết, năm qua, Trung tâm đã liên kết với Trường cao đẳng Nghề An Giang, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân… mở 23 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 617 học viên. Trong đó, các nghề ở lĩnh vực nông nghiệp như: Kỹ thuật trồng và sơ chế, bảo quản các loại nấm, chăn nuôi, trồng trọt… luôn được học viên quan tâm. Song song đó, đối với học viên nữ thì chú trọng dạy nghề các ngành tiểu thủ công nghiệp, kỹ thuật dịch vụ như: May dân dụng, đan- dệt, cắt uốn tóc thẩm mỹ, làm móng- vẽ hoa văn… Ngoài ra, trung tâm còn tư vấn học nghề và giới thiệu cho trên 1.550 lao động tìm được việc làm trong và ngoài tỉnh, trong đó có 41 lao động là người dân tộc Chăm. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí cho lao động thuộc đối tượng là người dân tộc, hộ nghèo, hộ chính sách đi làm việc ngoài tỉnh, trong năm, Trung tâm cũng đã hỗ trợ cho 121 lao động, gồm 20 lao động diện chính sách, 60 lao động nghèo và 41 lao động là người dân tộc Chăm với mức: Lao động thuộc diện nghèo, chính sách 500.000 đồng/người và diện dân tộc 700.000 đồng/người. Có thể nói, đạt được kết quả khả quan trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở huyện An Phú là nhờ sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là sự hỗ trợ từ tỉnh. Huyện thường xuyên tổ chức hội thảo tư vấn giới thiệu việc làm cũng như hỗ trợ vốn và chăm lo tốt việc giải quyết đầu ra cho lao động. Thông qua đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm ngoài tỉnh, cho vay vốn hỗ trợ việc làm tại địa phương và lao động được giáo dục tuyên truyền đã tự tạo việc làm… Chỉ trong năm 2010, toàn huyện đã giải quyết cho trên 8.900 lao động có việc làm ổn định, đạt trên 189% kế hoạch. Trong đó, giải quyết việc làm tại địa phương trên 2.100 lao động và ngoài tỉnh là 6.750, xuất khẩu lao động nước ngoài 5 người. Ông Lê Văn Hậu nhận xét, bước đầu người dân đã có chuyển biến về nhận thức và họ đã xác định phải có nghề mới tìm được việc làm để cải thiện cuộc sống. Song song đó, hình thức dạy và các lớp dạy nghề ngày càng thực tiễn, linh hoạt, thu hút ngày càng nhiều người học. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, Trung tâm Dạy nghề huyện An Phú dự kiến sẽ mở 20 lớp nghề trong năm nay để đào tạo khoảng 600 học viên tập trung vào các ngành nghề thực tiễn như sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt... nhằm đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có được việc làm trên 80%. Toàn huyện phấn đấu trong năm nay sẽ giải quyết việc làm mới cho 5.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2- 2,5%. Để đạt được mục tiêu này, An Phú cần thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, tăng cường phối hợp các trung tâm giới thiệu việc làm, công ty, doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh nhằm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tốt hơn… Song song đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao.
Quay lại