Trang chủ > Văn hóa > Phụ nữ Chăm khéo tay

Phụ nữ Chăm khéo tay


22-02-2015, 19:39. Người viết: Mách Dương

(Theo AGO) - Đa Phước không chỉ nổi tiếng với những ngôi thánh đường Hồi giáo Islam uy nghi, mà còn được biết đến với những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, như: Đan móc, trang phục phụ nữ Hồi giáo, làm bánh… qua bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Chăm.

 

May quần áo, kết cườm được coi là nghề, do có những nét đẹp riêng trong đời sống của người phụ nữ dân tộc Chăm ở Đa Phước (An Phú). Những bộ quần áo với nét hoa văn độc đáo, được kết cườm tỉ mỉ, bởi đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ được đồng bào người Chăm sử dụng rộng rãi, thậm chí còn… xuất ngoại. Từ TP. Châu Đốc sang cầu Cồn Tiên, đi dọc theo Tỉnh lộ 965 đều có thể bắt gặp những người phụ nữ Chăm bên cạnh tấm vải, chăm chú hoàn thành sản phẩm của mình. Phần lớn chị em nhận làm tại nhà, một số ít gia công cho các cơ sở lớn. Chị Chau Kho Ly, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Phước, cho biết: "Trước đây, phụ nữ Chăm ở Đa Phước có đan, móc áo gối, màn treo cửa buồng… nhưng những mặt hàng này chỉ tiêu thụ nội địa hoặc bán cho người Chăm ở Campuchia. Sau đó, chị em chuyển sang may gia công và kết cườm quần áo. Nhờ có sẵn tay nghề nên công việc của chị em hết sức thuận tiện”.

t39-ai.jpg

Phụ nữ Chăm bên những trang phục truyền thống

Tại cơ sở mang tên UMFARHAN của chị Hakymah, hơn chục chị em  đang tất bật hoàn thành những công đoạn cuối cùng để kịp giao cho khách hàng Malaysia. Chị Hakymah cho biết, trước đây chị cũng nhận may quần áo truyền thống của người Chăm cho bà con ở địa phương, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Thế rồi, vì muốn giữ nghề gia truyền, chị đã thành lập cơ sở may theo hướng công nghiệp. Tại cơ sở của chị Hakymah, từng nhóm nhân công đảm trách các công đoạn khác nhau, người thì cắt vải, người vắt sổ, ráp thân rồi kết những hạt cườm hoặc thêu trang trí. Phía trước cơ sở may là gian nhà rộng, chị Hakymah dùng làm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm cho người địa phương. Các sản phẩm làm ra rất đẹp mắt, một phần bán tại nhà, còn lại chị gởi sang Malaysia và nhờ người thân sinh sống ở bên đó tiêu thụ. "Để giữ được khách hàng, cơ sở thường xuyên thiết kế thêm nhiều mẫu trang trí, thêu hoa văn, kết cườm lên áo, các sản phẩm làm ra bền và đẹp nên được thị trường ưa chuộng”- chị Hakymah thông tin. Chị SiDah (thợ có nhiều kinh nghiệm) cho biết, may gia công và kết cườm quần áo khá nhẹ nhàng, chỉ cần người làm có hoa tay và chịu khó là làm được…

t39ai-1.jpg

vẻ đẹp phụ nữ Chăm

Nói đến sự khéo tay của phụ nữ Chăm không thể không nhắc đến bánh gừng, bánh ngôi sao, bánh ổ chim… trong các dịp lễ, hội quan trọng, như Ramadan, lễ cưới. Theo tập quán của đồng bào Chăm, chiếc bánh không chỉ góp vui trong những bữa tiệc tiếp đãi khách mà còn là minh chứng cho sự khéo léo, đảm đang của các cô gái Chăm. Thể hiện sự hiếu khách, chị Sa Roh mời những chiếc bánh Tago giác từ trong lò mới lấy ra, còn nóng hổi và bốc mùi thơm phức. Bánh Tago giác được làm từ bột mì, đường và hột vịt. Nhờ tuân thủ cách thức, sử dụng phương pháp thủ công, mùi vị chiếc bánh vẫn giữ được nguyên vẹn truyền thống. Những sản phẩm đồng bào Chăm làm ra góp phần giải quyết việc làm tại điạ phương, phổ cập kiến thức về nghề thủ công truyền thống, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ Chăm trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở An Giang.

"An Giang có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm cùng chung sống lâu đời, có nền văn hóa phong phú và đa dạng, có tiếng nói và chữ viết riêng. Trong đó, dân tộc Chăm khoảng 12.500 người, sống tập trung ở An Phú, Châu Phú, Châu Thành và Tân Châu. Số còn lại sống rải rác ở nhiều địa phương. Nguồn thu nhập chính là ruộng rẫy, chài lưới, buôn bán nhỏ và tiểu thủ công nghiệp”.


Quay lại