Trang chủ > Văn hóa > Trạm y tế Long Bình chờ... "cấp cứu"!
Trạm y tế Long Bình chờ... "cấp cứu"!11-10-2014, 09:50. Người viết: hungtuan102 |
Lối vào Trạm y tế Long Bình bị bịt kín do người dân lấn chiếm.
Hơn ba năm không dám nhận bất kỳ ca sinh nào, hằng ngày cả chục nhân viên, y, bác sĩ lo canh cánh trần nhà sập, nền sụt lún, mưa gió lại lo chuyện ngập lụt; thiết bị y tế thì "trùm bao bọc" cất đi, đường vào trạm bị lấn chiếm, sụt lún, người đi bộ còn khó huống hồ xe cấp cứu... Tình trạng này khiến Trạm y tế thị trấn Long Bình (An Phú, An Giang) hàng chục năm qua sống dở, chết dở. Xuống cấp "từ trên xuống dưới" Nằm trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Trạm y tế thị trấn Long Bình là một trong những điểm cấp cứu tuyến đầu hết sức quan trọng cho nhân dân vùng ven biên giới. Thế nhưng, hàng chục nghìn dân nơi đây nhiều năm qua không còn nhớ đến trạm vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là sự xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất. Từ tuyến tỉnh lộ 957 gần khu vực cửa khẩu Long Bình đến Trạm y tế thị trấn Long Bình rất gian nan. Anh Tùng, một cán bộ cũng là người dân sống lâu năm tại thị trấn Long Bình làm người dẫn đường cho chúng tôi, bảo, "bà con nơi đây không ai vào trạm để khám, chữa bệnh vì trạm xuống cấp quá rồi. Lo bệnh tình đã không xong, còn lo nguy hiểm tính mạng". Qua khoảng 50 m đường dẫn, Trạm y tế thị trấn Long Bình hiện ra với khoảng sân cát đơn sơ, trụ sở làm việc là dãy nhà cấp bốn, nền thấp hơn mặt sân hơn 50 cm. "Sân trạm đã thấp hơn mặt đường bên ngoài, nền trạm còn thấp hơn mặt sân nên mưa xuống là nước cứ vô tư chảy vào", Phó Trưởng trạm Nguyễn Văn Ly cho biết. Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về sự xuống cấp đáng báo động của trạm, đồng chí Nguyễn Văn Ly nói, đâu đâu cũng dột nát, tất cả phòng ban gồm: Phòng hành chính, lưu bệnh, dược, khám thai, phòng sinh, hậu sản, cách ly và tiêm lao đều bị rớt laphông, trơ mái tôn, mục nát, cột kèo mối mọt, gãy lởm chởm. Tất cả giường bệnh đều phủ dày bụi do nhiều năm không còn sử dụng. Nghiêm trọng hơn, tại dãy nhà của hai phòng tiêm lao, cách ly tình trạng sụt lún nền diễn ra đặc biệt nguy hiểm. Hai phòng trên nền gạch phía sau đã sụt lún sâu, chiếm gần một phần ba diện tích phòng, không ai dám vào vì sợ... rơi xuống hố. Vào mùa mưa lũ thì trạm luôn ngập lụt, mọi công việc của cán bộ đều tập trung vào chống lũ, dột mưa. Trong tám phòng của đơn vị thì các phòng phục vụ cho công tác sinh sản là hoạt động chính của trạm thời gian trước, cũng là nơi bị hư hại đặc biệt nghiêm trọng. Y sĩ Nguyễn Thị Việt Chinh, phụ trách sản khoa bức xúc: "Tất cả phòng phục vụ cho sản khoa tại đây đều hư hại nghiêm trọng. Cách đây mấy năm đã có bệnh nhân chuẩn bị sinh đang nằm điều trị thì một mảng la-phông rơi sát giường. Một trường hợp khác khi người nhà bệnh nhân đang ngủ thì la-phông cũng sập trên đầu mùng. Chính vì vậy, hơn ba năm qua, trạm không dám nhận bất kỳ ca sinh nào dù dễ hay khó vì khó bảo đảm an toàn tính mạng cho bà mẹ và trẻ em trong điều kiện xập xệ như thế này". Không chỉ xuống cấp về cơ sở vật chất, ngay các điều kiện vệ sinh dự phòng tại trạm cũng không bảo đảm. Y sĩ Việt Chinh dẫn chúng tôi ra phía sau trạm nói: "Hồ nước ô nhiễm do nước thải sinh hoạt của người dân quanh trạm thải xuống, ruồi muỗi rất nhiều, thêm cây cối mọc um tùm nên các nguy cơ lây truyền dịch là không tránh khỏi". Cần sớm đầu tư xây mới Trạm y tế thị trấn Long Bình được hình thành năm 1990, trên cơ sở tiếp nhận hiện trạng của các phòng học của một trường tiểu học, được xây dựng trước năm 1975. Toàn bộ cơ sở vật chất ấy lại bị bao chiếm bởi một số hộ dân ngoài đường từ trước khi trạm được dời về và càng ngày tình trạng lấn chiếm càng tăng, cho nên con đường vào đã nhỏ càng hẹp hơn, xe ô-tô cấp cứu không thể vào trạm được. Tổng diện tích trạm khoảng 1.900 m 2 nhưng nay lại có một số hộ chung quanh lấn chiếm và cho đó là đất của mình và tranh chấp với trạm nên trạm không thể phát quang vệ sinh môi trường, gây nguy cơ về dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình Võ Văn Công cho biết: "Chúng tôi bức xúc cả chục năm qua, kỳ họp HĐND ba cấp phản ánh liên tục nhưng tất cả vẫn chưa đến đâu và trạm thì vẫn xuống cấp ngày một trầm trọng. Chính việc xuống cấp này khiến địa phương rất khó thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân...". Thị trấn Long Bình được xét duyệt xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia nhiều năm qua nhưng đến nay chưa thực hiện được vì nhiều nguyên nhân, trong đó, quan trọng nhất là nguồn vốn và việc đầu tư này do tỉnh xét duyệt. Nhiều đoàn đến khảo sát cũng hứa đề xuất với tỉnh nhanh chóng đầu tư mới cho Trạm y tế thị trấn Long Bình, nhưng đến nay tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cán bộ y tế làm việc trong điều kiện nguy hiểm, mất an toàn, vệ sinh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương hoàn toàn tê liệt... Tháng 3-2014 vừa qua, đoàn khảo sát mới nhất do liên sở Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Xây dựng đã khảo sát và hứa ghi vốn cho công trình năm 2015. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh An Giang sớm đầu tư xây dựng Trạm y tế thị trấn Long Bình.
"Thị trấn Long Bình, huyện An Phú đã quy hoạch xây dựng Trạm y tế ở khu vực thoáng mát gần khu dân cư mới mở với diện tích 1.500 m2 từ nguồn đất công của địa phương nhằm bảo đảm đạt chuẩn quốc gia. Chính quyền và nhân dân địa phương rất mong các cấp nhanh chóng đầu tư cho Long Bình một nơi khám, chữa bệnh thật đàng hoàng, sạch sẽ, an toàn". VÌ VĂN CÔNG Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình, Long Bình, An Giang Quay lại |