Trang chủ > Văn hóa > Lão nông lập quy ước tộc họ học tập, làm theo Bác

Lão nông lập quy ước tộc họ học tập, làm theo Bác


19-08-2014, 20:58. Người viết: hungtuan102
Ông Khoái nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích Học tập và Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông Khoái nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích Học tập và Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đưa ra hàng loạt nguyên tắc về lối sống, sinh hoạt, đóng góp xã hội, những việc làm hữu ích cho địa phương, bộ quy ước tộc họ học tập, làm theo Bác của lão nông có tuổi thọ ngót nghét 90 đất cù lao Vĩnh Lộc (huyện An Phú, An Giang) có lẽ là độc nhất vô nhị, đưa việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào cuộc sống.


1. Về vùng biên giới An Phú, qua đò thị trấn tới cù lao Vĩnh Lộc hỏi bất kỳ người lớn, trẻ nhỏ về ông Chín Khoái (Trần Văn Khoái, sinh năm 1928, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc) ai nấy đều một mực kính trọng. "Mọi người ngưỡng mộ ông bởi lối sống hòa nhã, giúp đỡ bà con chòm xóm lại còn đi đầu trong tất cả các phong trào lớn nhỏ của địa phương. Ông Chín Khoái còn là tấm gương tiêu biểu nhất trong học tập, làm theo gương Bác của Vĩnh Lộc và toàn huyện An Phú nhiều năm liền. Năm nay, đến lượt người con thứ tư của ông là anh Trần Minh Cương cũng được UBND tỉnh trao bằng khen về những thành tích xuất sắc”, Trưởng ban Tuyên giáo huyện An Phú Lâm Thanh Bình phấn chấn giới thiệu.

Trong ngôi nhà sàn gỗ đậm chất Nam Bộ ven tuyến lộ liên xã, tôi cùng lãnh đạo xã Vĩnh Lộc đến thăm ông một trưa tháng 8. Đôi mắt tinh anh, mái tóc bạc trắng theo sương gió, giọng cũng trầm sâu nhưng khi nhắc về chuyện học tập, làm theo Bác, ông Chín Khoái rất hồ hởi và dường như trẻ ra nhiều tuổi. Ông bảo: "Mấy năm nay, mình không còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhưng cũng bám sát mọi chuyện lớn nhỏ của xã, đốc thúc con cháu ráng hoàn thành tốt phong trào của địa phương. Ba con tôi giờ cũng hăng say lắm, đứa làm lãnh đạo Mặt trận xã, đứa tham gia Hội bảo trợ người nghèo thành phố Châu Đốc, đứa tham gia Hội phụ huynh huyện nên các chủ trương, phong trào mình cũng nắm được mà khuyên tụi nhỏ. Người có của góp của, có sức góp sức miễn sao gia đình sung túc, quê hương giàu mạnh là đã góp phần thực hiện đúng những gì Bác Hồ mong ước”.

Tôi biết ông Chín Khoái cách đây đúng năm năm, nhân dịp An Phú tổ chức hội thi "Nông dân kể chuyện đạo đức Bác Hồ”. Ông là thí sinh lớn tuổi nhất và đoạt giải cao nhất với câu chuyện kể "Thời gian là quý báu lắm”. Chuyện ông kể không thật sự bám vào nguyên mẫu nhưng với lối dẫn dắt có duyên, cộng với liên hệ thực tế đời sống thường nhật của người nông dân như không rượu chè mà thường xuyên chăm ruộng, hay dành thêm thời gian nhàn rỗi nghe đài báo, lên mạng in-tơ-nét học hỏi kiến thức làm nông... đã khiến cả ban giám khảo, lẫn người nghe đều cảm thấy vô cùng hứng thú. Cách kể chuyện đầy ý nhị, dân dã mà thuyết phục thật sự đưa hình ảnh bình dị của Người thấm sâu vào tâm khảm mọi người có mặt tại hội thi năm ấy.

2. "Với người nông dân, kiến thức chỉ chưa hết trường làng như tôi thì nói chuyện học tập, làm theo tấm gương Bác, nhiều người cho rằng nó là chuyện lớn lao lắm, cao siêu lắm. Nhưng tôi biết, cuộc sống Bác Hồ vô cùng bình dị, cũng ăn rau rừng, ngủ vạt tre, cũng tiết kiệm thời gian, chắt chiu từng nắm gạo cho bà con nghèo thiếu đói... Đó là những việc làm cụ thể, thiết thực có xa vời quá đâu. Miễn sao mình thấy, mình hiểu và cố gắng làm tốt, dẫu chỉ một phần nhỏ”, ông Chín Khoái mở đầu câu chuyện.

"Cả tộc họ Trần của tôi có đến hơn 5.000 người sinh sống khắp nơi nên tôi nghĩ mình phải làm sao để gắn kết tất cả dòng họ cùng học tập, làm theo Bác những điều tốt nhất. Do đó, tôi đã tìm lại gia phả, đọc lại những điều răn dạy của ông bà mà lập nên bộ quy ước cho tộc họ cùng học tập và làm theo Bác Hồ, mong sao con cháu trong dòng họ "nói ít, làm nhiều”, mỗi việc tốt trong xã, huyện, tỉnh và xã hội đều có tên con em tộc họ Trần đóng góp”, ông chia sẻ. Những quy định chẳng cao xa mà rất cụ thể: Mỗi thành viên trong họ tộc phải thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt nghĩa vụ công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ các di tích lịch sử ở địa phương; chỉ sinh từ một đến hai con và nuôi dạy, học hành đến nơi đến chốn; tham gia góp quỹ, hoạt động từ thiện; tích cực tham gia làm hàng rào trước nhà, làm đường nông thôn... và tất cả tộc họ phải đoàn kết tương trợ trong sản xuất, trong hoạn nạn khó khăn, tham gia hòa giải các bất đồng tại địa bàn sinh sống.


Ông Khoái giở quyển gia phả với bộ quy ước tộc họ Trần Học tập và làm theo Bác.

Ông Khoái giở quyển gia phả với bộ quy ước tộc họ Trần Học tập và làm theo Bác.


Hằng năm, bộ quy ước ấy đều được ông đọc lên vào dịp lễ tộc họ trước sự chứng kiến của lãnh đạo xã, huyện. Người nào làm tốt, chi họ đóng góp nhiều sẽ được tuyên dương, ai chưa tốt thì nhắc nhở chỉnh sửa, người sai phạm thì cả tộc họ sẽ kiểm điểm, cảnh cáo chung để không vướng phải.

3. Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc Võ Văn Hùm cho biết: "Chính bản quy ước ấy mà dòng tộc họ Trần do cụ Khoái đứng đầu đã trở thành cốt cán trong mọi phong trào của địa phương. Tất cả con em dòng họ Trần đều học hành đàng hoàng, nhiều người trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên đã về lại quê hương An Phú, chung tay góp công xây dựng. Hay những phong trào lớn của xã như mua xe cứu thương chuyển viện miễn phí thì riêng họ Trần đã góp đến hơn 20% tổng giá trị xe (khoảng 700 triệu đồng). Rồi hằng năm, có từ bốn đến năm căn nhà đại đoàn kết do bà con họ Trần đóng góp hỗ trợ người nghèo, chưa kể ủng hộ từ bốn đến năm tấn gạo cho người nghèo có cái ăn khi Tết đến xuân về hay gặp mùa nước nổi. Mới đây nhất là chuyện xây dựng nông thôn mới, xã làm đường ra cánh đồng phải huy động sức dân góp công, góp sức, bà con trong tộc họ Trần do cụ Khoái đi đầu đã hiến hơn 3.000 m2 đất nông nghiệp... Khó mà kể hết những thành tích mang lại từ bộ quy ước học tập, làm theo Bác của tộc họ Trần do bác Chín Khoái xây dựng!”.

Khi hỏi về những mong muốn của mình, cụ Khoái cười hiền "Tôi cả đời là nông dân, có được đi đây, đi đó cho kham. Bác Hồ cũng chỉ biết qua sách báo, ti-vi, nghe đài thôi chứ chưa có lần nào vào lăng viếng Bác, nhưng Bác vẫn luôn trong tim mình là mãn nguyện lắm rồi. Nước Việt Nam mình có lãnh tụ vĩ đại nhưng bình dị và gần gũi như thế, tâm nguyện của tôi cũng như bà con trong họ tộc là mỗi người dù chỉ học và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất cũng đã góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh!”.

Tôi đã tìm lại gia phả, đọc lại những điều răn dạy của ông bà mà lập nên bộ quy ước cho tộc họ cùng học tập và làm theo Bác Hồ, mong sao con cháu trong dòng họ "nói ít, làm nhiều”, mỗi việc tốt trong xã, huyện, tỉnh và xã hội đều có tên con em tộc họ Trần đóng góp”.


BẢO TRỊ
Báo Nhân Dân

Quay lại