Trang chủ > Văn hóa > Ly kỳ bé trai sống sót sau 24 giờ trôi sông

Ly kỳ bé trai sống sót sau 24 giờ trôi sông


1-06-2014, 19:45. Người viết: hungtuan102

(AGO) - Sau 24 giờ trôi 15km trên sông Hậu, bé Nguyễn Quốc Phong (sinh ngày 01-10-2011), con trai  vợ chồng anh Nguyễn Văn Sánh và chị Võ Thị Hạ (ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú) đã được một vợ chồng ngư dân ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu cứu sống….


1-Nguyen-Quoc-Phong.jpg

Bé Phong bụ bẩm (16kg), mạnh khỏe sau tai nạn hy hữu trong đời.


Đến nay, sự việc xảy ra đã hơn 10 ngày, nhưng vợ chồng anh Sánh và chị Hạ vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sự sống sót kỳ diệu của con trai Nguyễn Quốc Phong. Chị Hạ kể: Hôm ấy, ngày 18-5, anh Sánh chồng chị  đi vác bắp thuê ở Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, còn chị ở nhà coi con.

Như thường lệ, khoảng 10 giờ chị sang nhà hàng xóm mua rau để chuẩn bị bữa ăn trưa. Lúc này, bé Phong (con trai thứ 2 của anh chị) cùng chị gái là bé Nguyễn Thị Quỳnh Như (11 tuổi) sang nhà ngoại chơi với Xuân và Bi (con của dì). Đi được 10 phút chị về nhà, nhưng không thấy con đâu, nên vội vã đi tìm, thì phát hiện bộ áo quần bé Phong mặc lúc sáng để ở lan can hiên nhà.

Nghi con trai ra sông Hậu, chị vội vã, vừa chạy vừa kêu cứu mọi người tìm con, bởi mấy hôm trước khi vợ chồng chị phun thuốc diệt cỏ ở bãi bồi, Phong có đòi ba tắm sông. Đến nơi, nhìn con sông Hậu mênh mông, nước chảy cuồn cuộn bởi thủy triều đang xuống, chị kêu tên con đến khàn giọng mà chẳng thấy đâu..

Hay tin con trai chị Hạ mất tích, hàng xóm tỏa ra đi tìm khắp nơi, cả việc lặn mò cả khúc sông đến chiều tối, nhưng tông tích bé Phong vẫn trong tuyệt vọng…

anh-4-doan-song-Hau-sau-nha-Phong.jpg

Đoạn sông Hậu, nơi bé Phong ra tắm bị trôi…

Ông Võ Thanh Phòng (ông ngoại Phong, 65 tuổi) nhớ lại: Tìm thằng bé đến chiều tối mà không có tin tức gì, mọi người nghĩ nó đã chết nước, nên tụ họp ở nhà tôi rất đông, chông đèn chờ trời sáng để đi vớt xác cháu.

Khi  trời vừa ló dạng, cả xóm hàng chục người lên 2 chiếc ghe và 4 chiếc  xuồng treo cờ trắng, chia hai hướng ngược lên đầu nguồn và xuôi xuống Châu Đốc tìm xác thằng Phong. Khi ghe của tôi đến đoạn ngã ba Châu Đốc, thì một chiếc ghe cào cá báo tin: "Ở đoạn mương Thủy, có người vừa vớt được một đứa bé giao Công an phường Vĩnh Mỹ…

3-Nguyen-Quoc-Phong-choi-dua-voi-chi-va-cac-anh.jpg

Phong (giữa) đang chơi với chị và hai anh con của dì.

Theo thông tin từ Công an TP. Châu Đốc, vợ chồng ngư dân vớt được bé Nguyễn Quốc Phong là anh Nguyễn Văn Trọng  và chị Âu Thị Mỹ Hạnh (ngụ  ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu). Chị Hạnh kể: Hàng ngày, vợ chồng tôi đi chài cá từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Sáng ngày 19-5, vợ chồng tôi chài cá ở chợ nổi gần bờ Châu Đốc. Khi đến khu vực đuôi bè cá của ông Phú chuẩn bị quăn chài thì phát hiện một đứa bé trôi sông trong tư thế nằm ngửa còn sống.

"Cứu người như cứu lửa", khi thằng bé trôi ngang mạng xuồng tôi chồng tôi vớt nó ngay, nhưng khoảng cách quá xa tầm tay  sợ đụng nó chìm, nên tôi bảo ổng nhảy xuống vớt kẻo không kịp. Nghe tôi kêu, chồng tôi liền nhảy xuống vớt thằng bé, còn tôi thì la lên: "Con ai té sông nè”, nên rất đông người ở khu vực bè cá và chợ nổi ngóng nhìn.

Đem thằng bé lên xuồng, nó đưa mắt nhìn vợ chồng tôi không nói cũng không khóc, tay chân thì lạnh ngắt, nên chồng tôi ôm nó vào lòng cho đỡ lạnh, còn tôi thì nhanh tay chèo xuồng đến chợ nổi xin bộ đồ trẻ con cho nó mặc. Lúc này, một người lạ nói chắc thằng bé đói, đưa tô bún cá bảo tôi cho nó và uống hết bọc trà đường nóng; sau đó Công an phường Vĩnh Mỹ đến lấy lời khai vụ việc…

anh-6-Nho-di-chai-ca.jpg

Nhờ đi chài cá trái buổi, vợ chồng anh Trọng, chị Hạnh vớt được bé Phong.

anh-7-Doan-song-noi-anh-Trong-vot-phong.jpg

Đoạn sông Hậu, nơi vợ chồng anh Trọng, chị Hạnh vớt được Phong.

Chị Hạ, mẹ bé Phong kể: Lúc đến Công an phường Vĩnh Mỹ nhìn thấy thằng nhỏ tôi không tin vào mắt mình, bởi nó mới 31 tháng tuổi trôi sông cả ngày trời mà vẫn còn sống. Sờ trán con thấy nó sốt, nên sau khi làm các thủ tục nhận con, gia đình tôi đưa nó vào Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh tại Châu Đốc nằm viện  điều trị. Các vết thương trên mình nó do cá, tép và các sinh vật bám gây lỡ loét da, nắng làm rộp cả da mặt, ngực và cổ...

anh-2-vet-seo.jpg

Những sẹo do cá, tép và sinh vật gây ra lúc trôi sông.

"Biết chuyện của bé Phong, các bác sĩ đã miễn tiền viện phí và chăm sóc rất chu đáo. Ngày xuất viện, vợ chồng tôi đưa con đến nhà anh Trọng và chị Hạnh để cảm ơn và đề nghị nhận Phong làm con nuôi. Hay tin thằng cháu "chết đi sống lại", bác của nó đã mổ heo tạ ơn trời đất …", chị Hạ cho biết.

anh-8-Phong-trong-vong-tay-cua-me.jpg

Bé Phong trong vòng tay yêu thương của mẹ. 

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Phòng, ngoại của bé Phong nói: Tôi không sao hình dung cháu Phong có thể sống sót được, bởi từ khu vực sông nhà tôi qua ngã ba sông Châu Đốc có rất nhiều tàu, ghe và phà qua lại tạo sóng rất mạnh. Thằng bé bé nằm ngửa trên mặt nước, không bấu bám vật gì cả mà không chìm, chẳng lẽ nó khả năng tự nổi trên mặt nước… (?).

Còn chị Hạnh thì nói trong ngỡ ngàng: "Thằng bé trôi sông trong tư thế nằm ngửa trên mặt nước, trông giống người lớn đang "thả tàu", không cọ quậy và cũng không khóc, mắt mở to; khi vớt nó lên bụng không no nước. Bé Phong có thể trôi trên sông khoảng 15km, qua 2 khúc sông nguy hiểm tại ngã tư đuôi cù lao Vĩnh Trường và Vĩnh Hậu. Thật lạ, thằng bé có thể trôi trên sông suốt 24 giờ mà vẫn không sao; tôi làm nghề đánh cá hơn chục năm trên sông Hậu, tôi biết rất rõ, khi trời đêm buông xuống, nước sông Hậu lạnh buốt, người lớn lở chìm xuồng còn sợ chết khiếp, nhưng  bé Phong vẫn bình an",

"Con sông đầu nguồn sóng to, gió lớn mà nhưng không lấy mạng của thằng bé, mà "giao” cho vợ chồng tôi. Qua chuyện này, vợ chồng tôi đã quyết định bỏ nghề chài lưới. anh Trọng sẽ đi làm phụ hồ, còn tôi làm thợ may, dù thu nhập chỉ bằng một nửa nghề đánh bắt cá”- chị Hạnh tâm sự.

Năm 2010, ông Hứa Hoàng Cương, ngụ ấp Tân Thới B, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã vô tình phát hiện ra bản thân mình có khả năng tự nổi trên mặt nước hàng giờ liên tục mà không có dấu hiệu bị chìm. Gia đình ông Cương còn có hai người có khả năng tự nổi giống như ông, đó là người anh ruột của ông Cương - ông Hứa Văn Bạch, ở  phường 5, TP. Bạc Liêu cùng con trai ông Bạch là Hứa Tây Hạ.  Tương tự, anh Huỳnh Công Lịnh, ngụ ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, (Cà Mau) cũng được ví như ‘cái phao cứu sinh di động’ khi  có thể ở trên mặt nước át ca cổ, đọc báo, nói chuyện và ngủ trưa ngon lành.

 

Bài, ảnh: Cao Tâm

Báo An Giang


Quay lại