Trang chủ > Giao Lưu - Giải trí > Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’

Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’


23-06-2013, 20:24. Người viết: hungtuan102
(VTC News) – Một người lính trong kháng chiến chống Mỹ đã được báo hy sinh cách đây 42 năm, nay bất ngờ trở về.
Những ngày qua, người dân ở huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) vui mừng kể cho nhau nghe câu chuyện "cải tử hoàn sinh” về một người con của quê hương hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ hơn 40 năm, nay bất ngờ trở về.

Tấm ảnh chụp ông Nguyễn Viết Thuấn được gia đình dùng làm ảnh thờ.
Tấm ảnh chụp ông Nguyễn Viết Thuấn được gia đình dùng làm ảnh thờ.

42 năm từ ngày lên đường nhập ngũ, gia đình người lính này chỉ nhận được một lá thư và ngay sau đó là giấy báo tử của đơn vị. Nhưng mọi thứ đã bất ngờ đảo lộn khi ngày 20/5 vừa qua, "liệt sỹ” đó bất ngờ trở về nguyên vẹn. Ông đã sống và lập gia đình ở tỉnh An Giang cho đến khi gặp một người miền Bắc giúp đỡ, tìm đường về nhà.

Người lính trong câu chuyện trên là ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1952, ở thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).

Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’
Giấy báo chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh từ năm 1976.
Ảnh: Nguyễn Dũng

Với niềm hạnh phúc sung sướng, ông Nguyễn Văn Tuynh (em trai ruột ông Nguyễn Viết Thuấn) kể lại câu chuyện tìm thấy anh trai với phóng viên VTC News.

Gặp ân nhân sau 42 năm lưu lạc

Theo lời ông Tuynh, câu chuyện cổ tích của gia đình ông bắt đầu từ đầu tháng 5/2013, khi anh Trần Văn Toán (quê ở Nam Định) đi cùng bố vào em gái lấy chồng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang chơi với nhà thông gia.

Trong bữa cơm thật mật của hai gia đình, ông thông gia người An Giang có kể về một người đàn ông cùng làng, quê ở miền Bắc nay đã tuổi 60, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam rồi vào đây lấy vợ, sinh con nhưng không nhớ chính xác ở đâu nên chưa thể về.

Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’
Tấm ảnh chụp ông Nguyễn Viết Thuấn được gia đình dùng làm ảnh thờ. 
Nghĩ rồi ông thông gia cho mời người đàn ông này đến nhà hỏi chuyện. Người đàn ông cho biết mình tên là Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951), quê ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây nhưng không nhớ chính xác tên xã.


Ông Thuấn nói mình từng vào chiến đấu ở miền Nam từ năm 1971 và bị thương, sau giải phóng ông ở lại An Giang lập nghiệp, nay muốn tìm về quê mà không có thông tin.

Cảm động trước câu chuyện của ông Thuấn, anh Toán ghi lại đầy đủ những thông tin ông Thuấn cung cấp, đồng thời ghi lại số điện thoại liên lạc, phô tô thẻ căn cước và các giấy tờ tùy thân… mang trở lại miền Bắc.

Hay tin ông Thuấn gặp được anh Toán, người dân trong khu vực tìm đến hỏi han, ai cũng hy vọng người đàn ông tốt bụng này sẽ tìm được chính xác quê hương, người thân của người lính lưu lạc này.

Cuộc hội ngộ vỡ òa trong nước mắt

Vốn là một người từ Nam Định lên Hà Nội làm thuê ở khu vực Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nên trong ngày đầu tiên về Hà Nội, anh Toán quyết định mang theo thông tin của do ông Thuấn cung cấp đến công an quận Hoài Đức để nhờ xác minh.

Công an huyện Hoài Đức ngay sau đó đã gửi những thông tin này về UBND xã An Khánh kiểm tra. UBND xã An Khánh tiến hành rà soát và phát hiện những thông tin này trùng khớp với hộ gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh ở thôn An Thọ.

Việc này được cấp báo về thôn và gia đình ông Tuynh. Quá bất ngờ vì anh trai mình có giấy báo tử, đã tìm được phần mộ ở chiến trường và đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã an táng nhưng những thông tin được cung cấp khiến gia đình ông Tuynh không thể không tin.

Lúc này, gia đình ông Tuynh quyết định họp anh em họ hàng rồi xin liên lạc trực tiếp với anh Toán để tìm hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.

Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’
Bằng "Tổ quốc ghi công" ghi rõ Liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh ngày 8/4/1975. Ảnh: Nguyễn Dũng

Ngày 17/5, anh Toán gặp ông Tuynh và kể lại câu chuyện gặp gỡ với ông Thuấn, mang  chứng minh nhân dân và các giấy tờ của ông Thuấn cho mọi người xem…

Từ số điện thoại anh Toán cung cấp, ông Tuynh điện thoại vào hỏi thăm, hai bên nói chuyện, ông Thuấn nói đúng tên Bố Mẹ, tả về ngôi nhà ở quê một cách rõ ràng…

Ngay hôm sau, ông Tuynh cùng hai người anh em và anh Toán bay vào miền Nam với hy vọng tìm thấy anh trai.

Sáng 19/5, ông Tuynh cùng những người đi cùng đến ngôi làng anh Toán chỉ dẫn. Khi xe chở đoàn người cách làng 100m thì dừng lại, ông Tuynh và mọi người đi bộ vào, ông Tuynh có linh cảm như sắp tìm thấy anh trai mình.

Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’
 'Liệt sỹ' Nguyễn Viết Thuấn (phải) trở về bên người em ruột của mình.

Ông Tuynh cho biết, đến ngôi nhà anh Toán chỉ dẫn thì thấy một người phụ nữ bán hàng ăn sáng mời chào nhưng ông không vào mà đi vào phía bên trái, nơi một số người đang ngồi nói chuyện để tìm hiểu mọi chuyện qua lời những người dân nơi đây.

"Vừa đi vào, tôi chào hỏi và có một người đàn ông trong số đó nhận ra tiếng Bắc và hỏi: "Anh vô Nam có chuyện chi?", tôi trả lời rằng, tôi là người Bắc, có thông tin về một người anh từng tham gia bộ đội, thất lạc nhiều năm nay nên vào tìm…”.

Vừa dứt xong câu nói, người đàn ông vội chỉ tay vào mình và nói: "Đây, em nè!”.

"Nghe câu nói vậy, tôi và người kia nhìn vào mặt nhau, ánh mắt đó khiến tôi rùng mình, cảm giác như đây là anh mình nhưng vẫn còn điều gì đó chưa thật tin tưởng vì theo lời anh Toán thì nhà anh tôi phải ở bên kia chứ không phải ở bên này, tôi cố nén tâm để tìm hiểu tiếp” – ông Tuynh kể.

Ly kỳ cuộc trở về sau 42 năm là ‘liệt sỹ’
"Liệt sỹ" Thuấn bên tấm bia Liệt sỹ có khắc tên mình. Ảnh: Nguyễn Dũng

Đúng lúc đó, những người đi cùng ở ngoài nghe được câu chuyện và đi vào. Người đàn ông nhận mình là người Bắc kia mời cả đoàn sang nhà bên ngồi uống nước và nói chuyện.

Sang đấy, người đàn ông kể rằng, ông là Nguyễn Viết Thuấn, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Tây; có bố là Nguyễn Viết Điểu, bác ruột là Nguyễn Viết Như; em trai là Nguyễn Viết Tuynh… và kể một số người trong gia đình nhưng không nhớ tên.

"Chúng tôi tập trung lắng nghe bởi anh nói giọng miền Nam và xúc động, hồi hộp đến từ câu chữ” – ông Tuynh nói.

Trong khi đó, người đàn ông kể tiếp về ngôi nhà trước kia của mình nằm gần ngôi đình, phía trong là nhà ông bác ruột và kể một số câu chuyện ngày xưa một cách bình tĩnh… khiến ông Tuynh không cầm được nước mắt.

"Khi kể đến vị trí ngôi mộ Tổ của dòng họ, ai trong chúng tôi cũng ngỡ ngàng bởi những chi tiết chính xác, chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi ôm lấy nhau rồi khóc nức nở, khóc trong niềm sung sướng hạnh phúc…” – ông Tuynh vui mừng.

Chứng kiến sự việc, hàng chục người hàng xóm cũng tìm đến, chia vui với ngày gặp gỡ mà họ gọi là "cải tử hoàn sinh” của anh em sau 42 năm xa cách…

Sau giây phút xúc động, gia đình ông Thuấn tụ họp con cái, tổ chức bữa cơm mời những người anh em từ Bắc và hàng xóm cùng chia vui. Họ bên nhau kể chuyện, ôn lại kỷ niệm suốt hai ngày đêm rồi cùng sắp xếp, đưa ông Thuấn và một vài người con ra Bắc, về với nơi ông ra đi và được coi là "liệt sỹ” suốt 42 năm qua...

Từ ngày nhận được tin ông Thuấn hy sinh, gia đình luôn ấp ủ tâm nguyện đi tìm phần mộ. Đến năm 2006, một nhà ngoại cảm đã khẳng định ngôi mộ "liệt sỹ” Nguyễn Viết Thuấn đã được chôn cất ở một nghĩa trang, gia đình đã vào tìm và đưa về chôn cất ở nghĩa trang xã. Nhưng nay, người "liệt sỹ” đó đã trở về...

Kỳ tiếp: ‘Liệt sỹ’ bất ngờ trở về bên phần mộ khắc tên mình”.


'Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống'

(VTC News) – Người "liệt sỹ” trở về sau 42 năm đến thắp nhang lên ngôi mộ 'của mình' được tìm thấy nhờ phương pháp ngoại cảm.Từ ngày "liệt sỹ” Nguyễn Viết Thuấn về làng, nhà ông Nguyễn Viết Tuynh (em trai ông Thuấn) ở thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội lúc nào cũng đông như trẩy hội.

Anh em, họ hàng, đồng đội trong làng ngoài xã, người không tin muốn đến xem tận mắt, người tin rồi muốn đến trò chuyện, thăm nom người con quê hương trở về sau 42 năm xa cách.

Ngồi bên người anh trai mới trở về, ông Tuynh xúc động chia sẻ ký ức về ngày anh trai ra đi bộ đội, nỗi đau của bố mẹ khi nhận tin anh trai hy sinh và hành trình gian khổ khi tìm phần mộ của anh cho đến ngày hạnh phúc khi anh bỗng trở về.

Tờ giấy báo tử và di nguyện người quá cố

Rít một điếu thuốc lào rồi nắm chặt tay người anh ruột, ông Tuynh nhớ như in cái ngày anh trai mình lên đường nhập ngũ. Ấy là vào một ngày tháng 4/1971, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Thuấn tự nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tiền tuyến miền Nam.

"Anh khoác trên mình bộ quân phục mới, anh ấy phấn khởi mang ba lô, một mình đi bộ từ nhà ra xã để lên đường. Lúc ra đến cổng nhà, anh ấy quay lại vẫy chào bố mẹ và nói rằng ‘con đi đây, không về nữa đâu’ rồi hai tay đút túi quần ra đi” – ông Tuynh nói.

Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống
Giấy báo liệt sỹ Nguyễn Viết Thuấn hy sinh gia đình nhận được năm 1976. Ảnh: Nguyễn Dũng

Năm 1973, gia đình nhận được thư của ông Thuấn, vì không biết chữ nên ông nhờ bạn viết. "Lúc đó, gia đình biết anh vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, vẫn hăng say chiến đấu, bố mẹ tôi vui mừng chờ ngày chiến thắng, chờ ngày miền Nam hoàn toán giải phóng, chờ ngày anh tôi về…”, ông Tuynh nói thêm.

Tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình ông Tuynh nóng lòng chờ ngày người anh cả trở về.

Mỗi lần có lính trở về làng, bố mẹ đều hăm hở đến hỏi han về tình hình ông Thuấn, người nói có gặp ông nhưng sau đó không biết đi đâu, chiến đấu ở chiến trường nào… Cả những người cùng nhập ngũ cũng không nhớ.

"Chờ mãi, chờ mãi… cho đến một ngày giữa năm 1976, gia đình tôi nhận được giấy báo tử, báo tin anh tôi – chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh vào ngày 8/4/1975 tại chiến trường miền Nam” – ông Tuynh lắng giọng.

Ngay sau đó, tang lễ chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn được chính quyền địa phương, xóm làng và gia đình tổ chức theo nghi thức tang lễ liệt sỹ, bàn thờ ông trong gia đình ngay sau đó được lập và thờ cúng lâu dài.

Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống
Gia đình ông Tuynh vui mừng khi tìm lại được người anh trai. Ảnh: Nguyễn Dũng

Ông Tuynh nói rằng, thời điểm đó, bố mẹ nhận giấy báo tử trong niềm thất vọng và nỗi đau đớn vô hạn nhưng cũng tự hào vì sự hy sinh anh dũng của con mình, góp phần làm nên chiến thắng của toàn dân tộc, điều trăn trở nhất của ông bà là không biết thi hài của anh nằm ở khu vực nào để đưa về với quê cha đất tổ.

 

Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống Từ giây phút đó, gia đình tôi tin chắc đã hoàn thành di nguyện của bố mẹ vì tìm thấy phần mộ anh trai. Chúng tôi ngày đêm hương khói, chăm sóc phần mộ đó cho đến chuyện bất ngờ xảy ra hôm nay. Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống

Ông Nguyễn Viết Tuynh
 
Từ điều này, gia đình chỉ dựa vào những thông tin từ những người trở về để biết về sự hy sinh của ông, để biết ông đang nằm ở đâu? Nhưng mãi đến năm 1987, rồi đến năm 2000, bố mẹ ông lần lượt ra đi mà tâm nguyện tìm thấy thi hài người anh vẫn chưa được thực hiện.


Sau năm 2000, kinh tế gia đình có nét khởi sắc hơn trước, gia đình ông Tuynh tập trung vào việc tìm mộ anh trai để đưa về quê, thực hiện di nguyện dang dở của người quá cố.

"Chúng tôi hỏi những người cùng đơn vị, những người cùng chiến đấu thì người ta nói có thời gian gặp anh Thuấn, có chiến đấu cùng nhưng chỉ được một thời gian rồi chuyển qua chỗ khác, không biết anh ấy về đơn vị nào, hy sinh ra sao?” – ông Tuynh kể.

Nhà ngoại cảm tìm thấy mộ 'người sống"

Cho đến năm 2006, gia đình được biết đến phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm. Tháng 6/2006, qua lời giới thiệu, ông Tuynh tìm đến một nhà ngoại cảm ở đường Bưởi (quận Ba Đình, Hà Nội) để nhờ người này tìm phần mộ anh trai.

Qua những thông tin gia đình cung cấp, nhà ngoại cảm này xác định ông Thuấn hy sinh ở một khu vực thuộc ấp Di Xá, Bình Long, Bình Phước; thi hài nay đã được quy hoạch về nghĩa trang ở Bình Phước.

Nhà ngoại cảm còn nói rằng thi hài ông Thuấn đang nằm ở nghĩa trang có người trông nom; miêu tả về việc ông Thuấn hy sinh vào ngày nào, giờ nào và hiện phần mộ đang nằm sau bia "Tổ quốc ghi công” và vẽ chi tiết sơ đồ, địa chỉ của phần mộ ông Nguyễn Viết Thuấn.

Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống
Sơ đồ chỉ ngôi mộ 'Liệt sỹ' Nguyễn Viết Thuấn do nhà ngoại cảm lập nên.

Ngay sau đó, gia đình cầm sơ đồ này, nhờ một người đồng đội của ông Thuấn ở huyện Quốc Oai đi vào tỉnh Bình Phước để tìm.

Qua tìm hiểu, bà quản trang cho biết đây là ngôi mộ vô danh, được biết người nằm dưới là người Bắc nhưng không nhớ rõ là tỉnh nào.

Những tình tiết đó cùng với sự chỉ bảo của nhà ngoại cảm, sự giúp đỡ của người đồng đội ở huyện Quốc Oai khiến gia đình ông Tuynh chắc chắn rằng đó là phần mộ anh ruột mình và xin chính quyền sở tại, bốc phần mộ này về địa phương để an táng.

Cũng trong tháng 6/2006, ông Tuynh và gia đình đã đưa phần mộ được cho là của ông Nguyễn Viết Thuấn về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ địa phương, tổ chức trọng thể lễ truy điệu tại gia đình.

"Từ giây phút đó, gia đình tôi tin chắc đã hoàn thành di nguyện của bố mẹ vì tìm thấy phần mộ anh trai. Chúng tôi ngày đêm hương khói, chăm sóc phần mộ đó cho đến chuyện bất ngờ xảy ra hôm nay” – ông Tuynh kể.

Liệt sỹ' trở về: Nhà ngoại cảm tìm mộ 'người sống
‘Liệt sỹ’  Nguyễn Viết Thuấn bên phần mộ khắc tên mình. Ảnh: Nguyễn Dũng

Theo lời ông Tuynh, kể từ ngày có giấy báo tử của ông Thuấn, chính quyền xã An Khánh và huyện Hoài Đức thường xuyên quan tâm, đến động viên bố mẹ và thực hiện đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa theo đúng quy định của Nhà nước.

Tên ông Thuấn được ghi rõ trong sổ chính sách của xã, được khắc tại bia đá tưởng niệm liệt sỹ của thôn và tại nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Gia đình đã lập bàn thờ từ ngày nhận giấy báo tử và thường xuyên hương khói, dùng tấm ảnh thời niên thiếu của ông Thuấn để làm ảnh thờ cúng. Những kỷ vật và huân huy chương, bằng Tổ quốc ghi công được gia đình lưu giữ cẩn thận.

Trở về nơi chôn rau cắt rốn, ông Nguyễn Viết Thuấn cho biết, ông có cảm giác như vừa chết đi sống lại. Ông đưa phóng viên ra bia liệt sỹ khắc tên mình, rồi đứng bên nấm mộ ghi tên mình, thắp nén tâm nhang cho người đồng đội nằm ở dưới.

"Đồng đội tôi đã hy sinh để tôi được sống và trở về như ngày hôm nay, gia đình tôi sẽ tiếp tục hương khói, chăm sóc ngôi mộ như đối với người thân trong gia đình” – ông Thuấn nghẹn ngào.

Tại sao ông Thuấn còn sống mà gia đình lại nhận được giấy báo tử? Tại sao suốt 42 năm còn sống mà ông Thuấn không hề liên lạc hay tìm đường về quê hương?

Kỳ tiếp: Hành trình lưu lạc và trở về sau 42 năm của ‘liệt sỹ’

Trở về sau 42 năm: Vì sao 'liệt sỹ' mất tích?

(VTC News) – Vì sao người lính phục viên gần 40 năm nhưng lại không trở về nhà khiến gia đình buộc phải tin rằng ông đã hy sinh?

Viết tiếp câu chuyện về người lính bất ngờ trở về sau 42 năm là liệt sỹ, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1952 tại xã An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây - nay thuộc TP Hà Nội).

Năm tháng đi qua, người lính trẻ ra đi với mái tóc xanh ngày nào nay trở về với mái đầu hoa râm, trò chuyện bằng giọng miền Nam. Cầm trên tay tờ giấy báo tử ghi tên mình vào năm 1976, ông Thuấn cho biết, ông tự nguyện nhập ngũ vào tháng 4/1971.

Trở về sau 42 năm: Vì sao 'liệt sỹ' mất tích?
 Chân dung "liệt sỹ" Nguyễn Viết Thuấn. Ảnh: Nguyễn Dũng

Vào quân đội, ông tham gia chiến đấu tại các chiến trường Campuchia, Lào. Năm 1973, ông về chiến đấu ở chiến trường Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) thì bị thương khi bị một viên đạn găm vào gáy, sau đó phải chữa trị dài ngày để hồi phục và tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Năm 1975, khi chiến trường Sài Gòn diễn ra chiến dịch Tổng tiến công, ông Thuấn chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh. Năm 1976, khi miền Nam hoàn toàn thống nhất, Trung sĩ, tiểu đội trưởng pháo binh Nguyễn Viết Thuấn được phục viên xuất ngũ.

"Ra quân, đơn vị có chu cấp cho một ít tiền để chi tiêu nhưng số tiền này không đủ để về quê, tôi đi sang một số vùng ở miền Nam cho đến khi tiêu hết số tiền đó thì quay về đơn vị xin ở lại nhưng đơn vị không nhận.

Trở về sau 42 năm: Vì sao 'liệt sỹ' mất tích?
"Liệt sỹ" Thuấn với vết thương do đạn găm vào từ năm 1973 khiến trí nhớ của ông giảm sút. Ảnh: Nguyễn Dũng 

Lúc đó, tôi cảm thấy chán nản, phần vì ảnh hưởng của vết thương, phần vì không có tiền về quê nên tôi đi lang thang ở các tỉnh miền Nam cho đến khi lạc vào một vùng đất thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, gặp một người phụ nữ rồi kết hôn, tôi định chưa trở về mà ở lại đây lập nghiệp” – ông Thuấn cho biết.

Cũng trong năm 1976, bố mẹ và người thân ở ngoài Bắc nhận được giấy báo tử của ông và tổ chức tang lễ theo nghi thức liệt sỹ.

Sống ở vùng xa xôi, kinh tế chưa phát triển, vợ chồng ông Thuấn vất vả làm ăn mà quanh năm cái đói vẫn cận kề. Hai vợ chồng có với nhau 3 người con nhưng vì nghèo nên không đứa nào được đi học.

Bố mẹ đã không biết chữ, con cái cũng vậy nên không ai biết viết thư tay hay có cách liên lạc nào khác. Mặt khác, với vết thương ở đầu, trí nhớ của ông Thuấn giảm sút, không nhớ chính xác vùng quê của mình, chỉ nhớ tên bố mẹ và một vài người chú bác, em út.

Trở về sau 42 năm: Vì sao 'liệt sỹ' mất tích?
Sau 42 năm lưu lạc, "liệt sỹ" Nguyễn Viết Thuấn (trái) đã được trở về với quê hương, gia đình. 

"Mỗi lần nghĩ đến quê hương lòng tôi lúc nào cũng thấy nôn nao, nhưng phần vì nghèo, vì bệnh tật, vì nhận thức hạn chế nên tôi chỉ biết nhớ mà không biết làm cách nào để liên lạc hay trở về” – ông Thuấn trăn trở.

Mấy năm trở lại đây, khi 3 người con ông đã yên bề gia thất, vợ chồng ông cũng bớt vất vả hơn trước đây. Hàng ngày, vợ ông bán hàng ăn sáng, ông đi làm thuê, ai thuê gì thì làm nấy, còn những lúc vết thương ở đầu tái phát thì ông ở nhà nghỉ ngơi.

Bao nhiêu năm ấp ủ, chỉ đến khi gặp anh Trần Văn Toán ở Nam Định, tâm sự của ông mới được giãi bày, hy vọng được trở về quê hương của ông trỗi dậy và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết…

"Lúc tôi thấy em trai tôi cùng một số anh em khác bước vào, nói giọng Bắc, lòng tôi vui sướng, tôi có linh cảm như đây là những người ruột thịt của mình và tôi cố gắng nhớ hết những gì có thể, kể cho họ nghe để họ tin rằng chính tôi là Nguyễn Viết Thuấn, người họ đang tìm” – ông Thuấn xúc động.

Trở về sau 42 năm: Vì sao 'liệt sỹ' mất tích?
 Anh em, họ hàng đến chia sẻ niềm vui với sự trở về của "liệt sỹ' Thuấn.
 Ảnh: Nguyễn Dũng


Thế rồi họ nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng, ai cũng khóc trong niềm sung sướng, hân hoan tột độ để rồi ít ngày sau, người "liệt sỹ” ấy theo em trở về quê hương, trở về nơi chôn rau cắt rốn, nơi thờ anh từ hơn 40 năm nay.

Gặp lại đồng đội trở về từ "cõi chết” trở về, ông Nguyễn Viết Tửu (SN 1952, huyện Hoài Đức) cho biết, ông và ông Thuấn nhập ngũ cùng một ngày, ông được phân vào chiến trường chiến đấu Trung đội 3, 638 Hà Tây; còn ông Thuấn vào Trung đội 1. Hai ông cùng hành quân đến Quảng Bình thì ông Thuấn chuyển sang tiểu đoàn 135 Pháo binh, Tửu sang 271, từ đây mỗi người phải chia mỗi ngả.

"Tháng 12/1971, tôi có tin anh Thuấn đang chiến đấu ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và từ đó không biết tin, cho đến khi phục viên về quê, tôi mới biết là anh ấy hy sinh” – ông Tửu kể.

Trở về sau 42 năm: Vì sao 'liệt sỹ' mất tích?
"Liệt sỹ" Thuấn cho biết, ông sẽ thu xếp công việc ở miền Nam để về sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời ở quê hương. Ảnh: Nguyễn Dũng 

Chia sẻ niềm vui ngày hội ngộ, ông Tửu nói rằng, đây như là một điều thần kỳ, ban đầu ông không dám tin nhưng sau khi gặp gỡ, hàn huyên chuyện cũ với đồng đội, ông hoàn toàn tin tưởng.

Trong niềm vui ngày trở về, ông Thuấn cho biết, thời gian tới ông sẽ thu xếp mọi chuyện ở miền Nam rồi sẽ đưa vợ con chuyển hẳn về quê để sinh sống những ngày còn lại của cuộc đời.

Nghe anh nói vậy, người em ruột Nguyễn Viết Thuấn tỏ phấn khởi: "Anh về rồi, anh là cả anh phải ở đây với em..."

Ông Nguyễn Viết Hướng – Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, huyện Hoài Đức khẳng định, câu chuyện ông Nguyễn Viết Thuấn đi bộ đội, gia đình đã nhận giấy báo tử, đã tìm thấy phần mộ và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ xã nhưng nay trở về hoàn toàn có thật.

"Chính quyền xã đã giúp đỡ để gia đình tìm thấy ông Thuấn. Qua kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ quân nhân và các giấy tờ khác, chúng tôi khẳng định đó chính là ông Nguyễn Viết Thuấn” – Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh nói.

Ông Hướng cũng cho biết, từ ngày nhận được giấy báo tử của ông Thuấn, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến gia đình, thực hiện đầy đủ chính sách đối với gia đình ông Thuấn.

Đến thời điểm này, khi ông Thuấn đã trở về, xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Hoài Đức.

"Hiện ông ấy mới về, chúng tôi tạo điều kiện để gia đình vui mừng, ông Thuấn có thời gian và điều kiện gặp gỡ anh em họ hàng nhưng sau đó, chúng tôi sẽ mời ông Thuấn và gia đình lên làm việc, giải quyết chế độ chính sách theo đúng quy định hiện hành” - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh khẳng định.

Nguyễn Dũng
VTC news

Quay lại